“Sứ mệnh, tầm nhìn” – Yếu tố tiên quyết để khởi nghiệp thành công

Năm 2016 được chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, đó là tín hiệu đáng mừng cho những dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.

Hiện nay Chính phủ và toàn xã hội đang triển khai nhiều hoạt động, chính sách nhằm ủng hộ, khuyến khích và khơi dậy phong trào khởi nghiệp. Ngoài ra, chúng ta còn những lợi thế về thị trường khi mở rộng giao thương với thế giới, sự phát triển của công nghệ và một thế hệ những nhà khởi nghiệp đam mê, tâm huyết, dám dấn thân lập nghiệp với niềm tin kinh doanh là con đường thực sự dẫn tới hạnh phúc và thành công. Bên cạnh những thuận lợi đó, có rất nhiều thách thức trong giai đoạn khởi nghiệp như chiến lược chưa hoàn thiện, chưa có thương hiệu, tài chính hạn hẹp, không tìm được đối tác phù hợp, không tuyển dụng và giữ chân được nhân sự đặc biệt là những người có tài,… Vậy đâu là những yếu tố chính giúp khởi nghiệp thành công, trong bài viết này tôi sẽ đề cập đến một yếu tố tiên quyết đó chính là Sứ mệnh và Tầm nhìn.

1. Những quan điểm về khởi nghiệp

Gần đây chúng đang tranh luận nhiều về các khái niệm “khởi nghiệp”, “startup”, “entrepreneur ”, tuy nhiên vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng do có nhiều quan điểm khác nhau cũng như là sự khác nhau về ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Anh. Trong phạm vi bài viết này sẽ sử dụng từ “khởi nghiệp” hoàn toàn trong tiếng Việt và sẽ không liên hệ hoặc so sánh từ tương đương trong tiếng Anh.

Hiện tại theo thống kê và nghiên cứu của chúng tôi thì có hai luồng quan điểm chính về khởi nghiệp. Luồng quan điểm thứ nhất “khởi nghiệp” là tạo sự khác biệt, thậm chí dị biệt để mang tính đột phá. Trong quan điểm thứ nhất này tính đột phá là yếu tố tiên quyết, đó có thể là một công nghệ độc đáo thậm chí chưa hề có (ví dụ như điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ hoặc mệnh lệnh bằng giọng nói), cũng có thể là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (ví dụ như Grab hay Uber). Bởi cần tính đột phá nên công nghệ là yếu tố sống còn trong quan điểm thứ nhất này, thông thường công nghệ đặc tính tiêu biểu của sản phẩm hoặc ngay cả khi sản phẩm không dựa nhiều vào công nghệ, thì cũng cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu. Luồng quan điểm thứ hai “khởi nghiệp” là tự làm công việc kinh doanh riêng, tự làm và tự quản lý. Trong luồng qua điểm thứ hai này thì “khởi nghiệp” là tạo ra giá trị có lợi cho người cho xã hội, cho khách hàng… “Khởi nghiệp” không quan trọng là tạo sự khách biệt mà là tự kinh doanh như mở một cửa hàng ốc, quán cafe, quán games, cửa hàng thời trang, siêu thị, trồng trọt thực phẩm sạch … “Khởi nghiệp” theo cả hai quan điểm,  phần  nhiều  vẫn  mang  tư  tưởng vừa làm chủ vừa làm nhân viên cho chính mình, thậm chí làm tất ăn cả.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sẽ bổ sung thêm một góc nhìn khác về “khởi nghiệp” và đây cũng là tư tưởng xuyên suốt bài viết. “Khởi nghiệp” không nhất thiết phải là sự khác biệt mà hoàn toàn có thể học hỏi những mô hình có sẵn. Cũng không có nghĩa là rập khuôn mà không có bất cứ sự khác biệt nào và cũng không phải là vừa làm chủ vừa làm nhân viên cho chính mình. Vậy đâu là sự khác biệt với hai luồng quan điểm phía trên? Đầu tiên chính là sự khác biệt giữa trước và trong khi khởi nghiệp ví dụ như khác biệt về tư tưởng nhân cách, vai trò và vị thế, trách nhiệm với công việc… trên hết đó là một sự nghiệp mới. Có thể nêu ra dưới đây một vài ví dụ về sự khác biệt

Sự khác biệt Trước khởi nghiệp Trong khi khởi nghiệp
Tư tưởng nhân cách Chỉ nghĩ tới lợi ích bản thân Kinh doanh một mình Nghĩ cho mọi người Hợp tác kinh doanh
Vai trò và vị thế Nhân viên hay là Chủ Lãnh đạo
Trách nhiệm Công việc được giao Thụ động trong công việc Chủ động nhận việc Dám nghĩ dám làm

Bên cạnh đó là sự rõ ràng lợi ích, công bằng và cân bằng cho các bên liên quan: là khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, nhân sự làm việc trong tổ chức, tổ chức, chính bản thân mình và cho xã hội. Về sản phẩm dịch vụ cũng hoàn toàn có thể có sự khác biệt ví dụ như: Một sản phẩm trò chơi có thể kết hợp với học online hoặc một quy trình luộc ốc đảm bảo ngon và có thể phòng ngừa bệnh loãng xương.

2. Hiện trạng khởi nghiệp ở Việt Nam

Theo báo cáo các chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014 thì tỷ lệ khởi sự kinh doanh ở Việt Nam năm 2014 vẫn thấp, chỉ đạt 2% thấp hơn nhiều so với mức bình quân ở các nước phát triển (12,4%). Chỉ có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh và 58,2% người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh, ở các nước phát triển con số này là 54,6% và 64,7%. Mặc dù ở Việt Nam,  những  doanh  nhân  thành  công ngày càng được xã hội coi trọng (75,9%) và trở thành doanh nhân là nghề nghiệp đáng mơ ước của 67,2% người trưởng thành. Tuy nhiên với người trưởng thành ở Việt Nam chỉ có 18,2% có ý định khởi sự kinh doanh trong vòng 3 năm tới và có tới 50,1% lo sợ thất bại trong kinh doanh, con số này cách khá xa so với mức trung bình ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực (40,2% và 31,4%). Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015 trích dẫn Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu 2015/2016 (GEM  2015/2016) do Hiệp  hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) công bố vào tháng 2/2016 cho thấy khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2015 vẫn không thay đổi nhiều so với năm 2014. Những con số này cho thấy các doanh nhân ngày càng được cọi trọng và là niềm mơ ước, nhưng tỷ lệ dấn thân khởi nghiệp còn rất ít và tỷ lệ lo sợ thất bại trong kinh doanh vẫn còn khá cao. Chưa có một con số thống kê chính xác về tỷ lệ thành công hay thất bại của những khởi nghiệp tại Việt Nam, tuy nhiên tỷ lệ thất bại chắc chắn là con số không hề nhỏ. Vậy những rào cản nào khiến khởi nghiệp chưa thành công? Do đâu tỷ lệ dấn thân khởi nghiệp còn rất ít và tỷ lệ lo sợ thất bại trong kinh doanh vẫn còn khá cao?

Hiện nay đa số các dự án khởi nghiệp đều bắt đầu từ một vài yếu tố như tích lũy được tài chính, có được các mối quan hệ, có kinh nghiêm hay có ý tưởng. Nhưng phần lớn những người khởi nghiệp chưa rèn luyện cho mình năng lực lãnh đạo đủ ít nhất đủ để khởi sự kinh doanh. Những kiến thức trên sách vở hay báo chí phần nhiều là những trải nghiệm và phần lớn chúng ta chưa phân biệt hoặc hệ thống hóa được đâu là trải nghiệm, đâu là công thức. Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến chưa chính xác ví dụ như: “Doanh nghiệp 3 năm sau mới thành công”, “Chấp nhận nghèo khó một thời gian dài”, “Khởi nghiệp theo cách mò mẫm” … những điều này khiến chúng ta hoảng loạn, tự điểm huyệt chính mình và không dám tin vào thành công khi khởi nghiệp.

Phải nhìn thẳng vào sự thật là khi khởi nghiệp phần lớn chúng ta đều chưa đủ năng lực, chúng ta cũng không có một công thức để khởi sự kinh doanh. Trong bài viết này tôi đề xuất tới một năng lực phải có, một công việc chắc chắn phải thực hiện, đó là một trong những yếu tố tiên quyết để khởi nghiệp thành công đó là xây dựng và tuyên bố Sứ mệnh, Tầm nhìn.

3. Khái quát về sứ mệnh

3.1. Sứ mệnh

Khi thực hiện   bài viết này tôi thấy một điều khá thú vị là có rất nhiều định nghĩa và góc nhìn về “Sứ mệnh” và “Tầm nhìn”, bên cạnh đó là khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến “Sứ mệnh” hay “Tầm nhìn” có trước. Mỗi một quan điểm đều có cách phát biểu khác nhau và có những góc nhìn riêng, tuy nhiên khi nói đến sứ mệnh đều đề cập đến lý do tồn tại và trách nhiệm đối với cộng đồng, các bên liên quan tới tổ chức. Trước hết hãy giải nghĩa từ “Sứ mệnh”, sứ ở đây được hiểu là “thiên sứ” tức là mang điều tốt đẹp hay giúp đỡ ai đó, mệnh là mạng tức là lý do ra đời hay tồn tại để làm gì. “Sứ mệnh” theo nghĩa đó tạm hiểu là lý do ra đời hay tồn tại phát triển để thực hiện những việc quan trọng và thiêng liêng cho ai đó hay nói đơn giản hơn là sống vì ai đó. Đối với một tổ chức, sứ mệnh xác định lý do tổ chức ra đời và tồn tại bằng việc tổ chức bằng việc thực hiện những điều tốt đẹp, những nhiệm vụ cao cả gì và cho những ai. Một sứ mệnh đầy đủ phải dành cho tất các bên liên quan bao gồm: Khách hàng, nhân sự tại tổ chức, cho chính tổ chức, nhà đầu tư, đối tác và cho xã hội.

Không  giống  như  tầm  nhìn,  giá  trị cốt lõi, chiến lược là thứ có thể đạt được theo thời gian, sứ mệnh là nền tảng của tổ chức, thứ mà tổ chức không ngừng theo đuổi thậm chí chẳng bao giờ đạt được. Tuy nhiên khi một sứ mệnh được tuyên bố chúng ta cũng có thể biết được tuổi đời của tổ chức hay khi nào sứ mệnh được hoàn thành. Ví dụ điển hình chính là cái chết của Kodak, một thương hiệu đã từng rất thành công trong ngành công nghiệp chụp ảnh. Kodak hướng sứ mệnh của mình tới việc chụp và lưu trữ qua những cuộn phim và giấy ảnh, họ đã không lường hết tới sự thay đổi chóng mặt về kỹ thuật số.  Mặc dù là họ là nơi thiết kế ra chiếc máy ảnh ký thuật số đầu tiên, nhưng với sứ mệnh đã được định hướng họ đã nhanh chóng tụt hậu so với các đối thủ.

3.2. Ý nghĩa của sứ mệnh

Hãy xem xét những ý nghĩa của sứ mệnh, nếu bạn đang bạn đang khởi nghiệp hoặc chưa định hình sứ mệnh hãy bắt tay xây dựng ngay vì nó sẽ thực sự hỗ trợ tổ chức của bạn. Nếu bạn đã có doanh nghiệp và sứ mệnh, hãy dựa vào những ý nghĩa sau để đánh giá tính hiệu quả của nó.

  • Quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức: Sứ mệnh bản chất là lý tưởng cao đẹp của tổ chức vì vậy nó đặc biệt quan trọng đối với tổ chức. Rõ ràng với định nghĩa ở trên thì việc đầu tiên có thể nhìn nhận ra là sứ mệnh sẽ quyết định sự thành công, sự tồn tại và phát triển của tổ chức. Sứ mệnh sẽ giúp chúng ta hình dung được tổ chức sẽ lớn mạnh thế nào và đi đến đâu trong tương lai;
  • Là nền tảng của tổ chức: Sứ mệnh là nền tảng của tổ chức, nó dẫn dắt và giúp xây dựng, thực hiện tầm nhìn, giá trị cốt, chiến lược, … phù hợp với khát vọng của tổ chức, giúp dẫn đường con tim và khối óc của từng thành viên để đưa ra những lựa chọn đúng đắn;
  • Hiệu triệu  thiên  hạ: Đối  với  khởi nghiệp, có muôn vàn thách thức ở phía trước,    những vấn đề này sẽ không được giải quyết từ gốc rễ nếu không xây dựng được sứ mệnh được công nhận. Do trong sứ mệnh nêu rõ những điều  tốt  đẹp  và  những  lợi  ích  cho tất cả các bên liên quan, nên một sứ mệnh được công nhận không những là đường lối dẫn dắt tổ chức đi đúng hướng, mà còn giúp thu hút đầu tư, đối tác, nhân tài, giúp tổ chức đoàn kết và cùng đồng bộ tư tưởng, hành động để cam kết hướng đến mục tiêu chung, hay nói một cách ví von khác, sứ mệnh giúp chúng ta “hiệu triệu thiên hạ”.
  • Thúc đẩy sự tiến bộ: Cho dù sứ mệnh là thứ không thay đổi nhưng nó lại thúc đẩy sự thay đổi tích cực cho tổ chức. Do sứ mệnh là những gì chúngta luôn hướng tới nên nó sẽ thúc đẩysự tiến bộ và luôn không ngừng hoành thiện của tổ chức. 

3.3. Nhân cách lãnh đạo

Nói đến sứ mệnh của một tổ chức không thể bỏ qua nhân cách người lãnh đạo, những người đã tạo ra cuộc chơi, nhân cách lãnh đạo càng lớn, sứ mệnh càng lớn, vậy thế nào là nhân cách lãnh đạo? Tại sao phải có nhân cách lãnh đạo lớn? Trong xã hội hiện nay nhiều người hiểu nhân cách là đạo đức, thời gian gần đây khi nói tới lãnh đạo chúng ta hay nói tới “Tâm – Tài – Tầm”, tuy nhiên nhân cách lại là một phạm trù rộng hơn. Có thể nói nhân cách lãnh đạo chính là cái tôi của cá nhân, là những năng lực, những phẩm chất, là những hành động, cách đối nhân xử  thế…  của  người  lãnh  đạo  có  được trong đời sống cộng đồng, nó bao hàm cả hai khái niệm đạo đức và Tâm – Tài – Tầm.

Có thể đưa ra đây các cặp phạm trù về nhân cách lãnh đạo để có thể hiểu rõ hơn như sau: Bạn thành lập ra doanh nghiệp chỉ với mục tiêu lợi nhuận hoặc thành lập ra doanh nghiệp với mục tiêu đóng góp cho xã hội, bạn mong muốn quyền sở hữu cá nhân đối với doanh nghiệp hoặc mong muốn thực sự doanh nghiệp thuộc về tất cả mọi người, bạn muốn tự kinh doanh một mình để đi nhanh hơn hoặc bạn muốn hợp tác với kinh doanh để tuy đi xa hơn… đó là những cặp phạm trù đối lập và cũng là các nhân cách khác nhau.

Tuy nhiên để khởi nghiệp chắc chắn thành  công  thì  cần  phải  có  nhân  cách lớn, bạn không thế thành công nếu đang không sống vì mọi người, không suy nghĩ và hành động tích cực, không có tinh thần hợp tác, không có ý chí và dám nghĩ lớn, không tạo được sự công bằng và cân bằng, không luôn tự hoàn thiện bản thân, không tìm cách giải quyết mà chỉ đổ lỗi, không dám đầu tranh cho lẽ phải, chỉ bảo vệ sự ích kỷ cá nhân và không bảo vệ lợi chung,… Đó cũng là lý do muốn có thành công cần có nhân cách lãnh đạo lớn, nhân cách lớn sẽ có sứ mệnh, tầm nhìn lớn và đó là tiền đề cho sự thành công. Nhân cách lớn không tự nhiên mà có, đó là sự rèn luyện và phấn đấu, để có nhân cách lớn cách tốt nhất là ý thức rèn luyện và sống thực sự như vậy hằng ngày.

3.4. Xây dựng và tuyên bố sứ mệnh

Rõ ràng chúng ta đã thấy tầm quan trong của sứ mệnh đối với tổ chức, nhưng làm thế nào để viết ra được một sứ mệnh được chấp nhận? Trong khi trao đổi với các chủ doanh nghiệp hay các cá nhân đang khởi nghiệp chúng tôi đặt ra hai câu hỏi và có nhiều trả lời khá thú vị. Câu hỏi thứ nhất: “Theo bạn ai sẽ là người xây dựng sứ mệnh?”. Đối với câu hỏi này, đáp án nhiều nhất mà chúng tôi thường nhận được là sứ mệnh có thể thuê viết hoặc giao cho các bộ phận trong công ty. Bên cạnh đó cũng có ý kiến những ý kiến cho rằng sứ mệnh là thứ dẫn dắt trái tim và khối óc của toàn bộ nhân viên thì sứ mệnh phải do tất cả những người lao động xây dựng. Các câu trả lời này đều đúng, nhưng một sự thực là nếu bạn đang khởi nghiệp hay là chủ doanh nghiệp, bạn đang muốn tạo ra và tổ chức cuộc chơi thì chính bạn là người phù hợp nhất để tạo ra sứ mệnh. Ngoài ra, do đó cuộc chơi của bạn nên chính bạn cũng là người rõ cuộc chơi nhất và có cái tổng thể nhất. Khi thực hiện xây dựng sứ mệnh bạn cũng có những trải nghiệm tuyệt với trong việc nâng cấp năng lực cũng như nhân cách lãnh đạo. Câu hỏi thứ hai: “Sứ mệnh của tổ chức dành cho những ai?”. Câu trả lời nhiều nhất cho câu hỏi này chính là sứ mệnh dành cho khách hàng và xã hội. Tuy nhiên nếu trong sứ mệnh không có đầy đủ các bên tham gia hay liên quan để tổ chức thì liệu có thúc đẩy được sự tiến bộ hay thu hút đầu tư, đối tác, nhân tài, đoàn kết và hướng đến mục tiêu chung? Chính vì vậy trong một sứ mệnh không thể không nói tới các bên liên quan, đó là: Khách hàng, nhân sự tại tổ chức, cho chính tổ chức, nhà đầu tư, đối tác và cho xã hội. Điều quan trong nhất đối với một sứ mệnh là sự công nhận của các bên liên quan và được tuyên bố rộng rãi. Chúng ta hãy đề cập tới những điều kiện nào để một sứ mệnh được công nhận:

  • Xuất phát từ Tâm: Điều đầu tiên cầnnhắc tới đó là sứ mệnh phải xuất phát từ cái Tâm thực sự, nếu không nó chỉ mang  tính  hình  thức,  không  thể  là lý tưởng cao đẹp để dẫn dắt được tổ chức. Để sứ mệnh xuất phát từ Tâm thì người lãnh đạo phải có nhân cách lớn, biết động long trắc ẩn biết sống và hy sinh cho người khác;
  • Thể hiện quyết tâm, ý chí: Một sứ mệnh phải thể hiện được sự tâm huyết, khát khao, quyết tâm, ý chí và phải cháy trong huyết quản toàn thể lãnh đạo và nhân viên của tổ chức;
  • Mang lại lợi ích: Như đã nói ở phần xây dựng, sứ mệnh đầu tiên phải xuất phát từ hiện trạng và mong muốn của các bên tham gia. Nó phải mang lại lợi ích cân bằng và công bằng cho tất cả các bên tham gia (Khách hàng – Nhân sự – Tổ chức – Nhà đầu tư/Đối tác – Xã hội), được ghi chép lại rõ ràng và được sự chấp nhận của các bên. Vì vậy một sứ mệnh không thể ngắn gọn và cần chi tiết, cụ thể đến từng lợi ích, từng đối tượng, đến từng hành động;
  • Đi vào lòng người: Một sứ mệnh dù xuất phát từ Tâm, khi tuyên bố phải dễ hiểu và đi vào lòng người, như vậy sẽ khuyến khích và hướng mọi người theo mục tiêu của tổ chức. Vì vậy sứ mệnh phải thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu với tất cả các bên liên quan.

Chúng  ta  sẽ  bàn  tới  cách  xây  dựng một sứ mệnh, trước hết sứ mệnh xác định lý do tổ chức ra đời và tồn tại bằng việc tổ chức, thực hiện những điều tốt đẹp, những nhiệm vụ cao cả gì và cho những ai. Do đó những câu hỏi mà chúng ta cần trả lời là: Tổ chức ra đời để làm gì? Mang lại lợi ích gì và cho những ai? Làm thế nào để mang lại lợi ích đó? Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta hãy thực hiện các bước sau đây hay đây là cách thực hiện xây dựng một sứ mệnh: Mang tính lâu dài: Sứ mệnh của tổ chức phải mang tính lâu dài, sức sống lên tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Thậm chí trải qua rất nhiều thế hệ thì sứ mệnh vẫn được các bên tham gia duy trì và thực hiện;

  • Bước 1: Liệt kê toàn bộ những hiện trạng,  những  khó  khăn  hay  bất  cập cho các các bên liên quan (khách hàng, nhân sự tại tổ chức, cho chính tổ chức, nhà đầu tư, đối tác và cho xã hội), đó trước hết chính là những lý do tổ chức ra đời để giải quyết những khó khăn bất cập đó. Hãy liệt kê hết những hiện trạng, sau đó theo chủ quan sẽ rút gọn lại trên cơ sở loại bỏ những hiện trạng giống nhau.
  • Bước 2: Tìm phương pháp để giải quyếtcác hiện trạng đã nêu ở bước 1. Đây cũng chính là hành động của tổ chức để giải quyết các khó khăn của các bên liên quan đã nếu ra ở bước 1 và đó cũng là sứ mệnh của tổ chức. Một phương pháp hiệu quả để diễn giải sứ mênh dễ hiểu là sử dụng khái niệm “5 whys”. Đầu tiên hãy viết ra hành động hay sứ mệnh một cách mộc mạc và sau đó đặt câu hỏi “Tại sao điều đó lại giải quyết được vấn đề” 5 lần, sau mỗi lần trả lời hành động, sứ mệnh của tổ chức sẽ rõ nét hơn. Ví dụ một công ty du học Nhật bản có thể đi từ “Đưa những học viên đi du học Nhật Bản” thành “Góp phần đưa nền Giáo dục Việt Nam sánh vai cùng các nước có nền Giáo dục nổi tiếng thế giới”.
  • Bước 3: Nêu rõ lợi ích cho từng bên liên quan đến tổ chức. Điều này xác nhận lại một lần nữa những hành động đó có thực sự mạng lại lợi ích hay không, nếu không mang lại lợi ích to lớn thì sứ mệnh này trở nên vô nghĩa.

Các bước từ 1 đến 3 chúng ta cũng có thể thực hiện bằng cách liệt kê vào bảng và sau đây:

STT Bên liên quan Hiện trạng Lý do Hành động Sứ mệnh Lợi ích
1 Khách hàng
2 Nhân  sự  tại tổ chức
3 Nhà đầu tư / Đối tác
4 Tổ chức
5 Xã hội
  • Bước 4: Tuyên bố sứ mệnh và lấy ý kiến của các bên liên quan. Sau khi xây dựng xong sứ mệnh theo chủ quan của mình, bạn hãy thực hiện tuyên bố và lấy ý kiến của các bên liên quan. Có thể có nhiều cách lấy ý kiến, như gặp gỡ trao đổi trực tiếp, gửi email thông tin,… nhưng cách để có nhiều đóng góp ý kiến nhất là đăng lên các mạng xã hội, thông tin đăng lên có thể chỉ là những dòng chia sẻ, nhưng bạn cũng có thể quay đăng một đoạn video. Thông thường  lúc  đầu  sẽ  có  nhiều  ý  kiến nghi ngờ như “có chém gió không?”, “có lớn quá không”, “điều này cần thiết nhưng có nhất thiết phải tuyên bố rộng rãi như vậy” … tuy nhiên sẽ có rất nhiều ý kiến đóng góp hữu ích để bớt phần chủ quan cá nhân khi xây dựng sứ mệnh. Ngoài ra nếu sứ mệnh thực sự xuất phát từ Tâm và có lợi ích dành cho các bên liên quan thì chắc họ sẽ đóng góp những ý kiến thực tiễn nhất để hoàn thành sứ mệnh, đơn giản là vì lợi ích của chính họ.

Chúng tôi cũng chia sẻ ở đây một bí quyết để nhanh chóng có những ý kiến đóng góp hữu ích và hoàn thành sứ mệnh, nghiên cứu dựa trên một nhóm hơn 20 chủ doanh nghiệp và người khởi nghiệp. Bằng cách thành lập các nhóm tối thiểu 5 người và hằng ngày chia sẻ với nhau về sứ mệnh, có thể online hay offline, bằng video hay bất cứ hình thức gì. Kết quả sau 1-2 tháng năng lực xây dựng sứ mệnh của các chủ doanh nghiệp được thay đổi rõ rệt, cơ bản tất cả đều có thể xây dựng sứ mệnh cho doanh nghiệp của mình và đóng góp ý kiến xây dựng cho các doanh nghiệp trong nhóm.

  • Bước 5: Chỉnh sửa lại sứ mệnh chủ quan. Dựa trên những ý kiến đóng góp, bạn hãy điều chỉnh lại sứ mệnh để đảm đạt được những điều kiện để sứ mệnh được công nhận.
  • Bước 6: Tuyên bố rộng rãi. Bạn đã hoàn thành bản sứ mệnh, giờ là lúc có thể công bố rộng rãi. Bạn có thể coi đó như một bản tuyên ngôn của tổ chức và nó sẽ có giá trị thu hút những đối tác, nhân tài có cùng chí hướng để cùng gánh vác sự nghiệp cùng bạn.

4. Khái quát về tầm nhìn

4.1. Tầm nhìn

Chúng ta đã bàn về sứ mệnh và thấy tầm quan trọng của nó, dựa trên sứ mệnh đã đến lúc chúng ta xác định cụ thể những khát khao mà tổ chức sẽ đạt được trong tương lai. Đó chính là “Tầm nhìn”, hay nói cách khác tầm nhìn là sự chuyển hóa từ sứ mệnh thành những mục tiêu xa hay dài hạn nhưng lại rất cụ thể về cơ cấu, đối tượng phục vụ, thời gian một cách đầy năng lượng. Tầm nhìn cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh những gì tổ chức dự kiến đạt được trong tương lai xa, có thể là 30, 50 hay thậm chí 300 năm sau. Tầm nhìn phải thể hiện một cách rất cụ thể và sẽ là cơ sở cho các chiến lược hay nhỏ hơn là mục tiêu. Trong quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến “Sứ mệnh” và “Tầm nhìn” cái nào có trước. Tuy nhiên theo quan điểm của nghiên cứu này thì tầm nhìn luôn theo sau sứ mệnh (lý do hay mục đích ra đời tổ chức), một tầm nhìn nếu không có sứ mệnh chỉ đơn giản chỉ là giấc mơ hay những hình dung trong suy nghĩ, đặc biệt không thể hướng tới những gì lâu dài, giống như khi làm việc hay đặt mục tiêu mà bạn không biết thực hiện để làm gì.

4.2. Ý nghĩa của tầm nhìn

Tầm nhìn đóng vai trò liên kết và chuyển hóa những lý tưởng cao đẹp nêu trong sứ mệnh với chiến lược thực hiện để đạt được tương lai như mong muốn. Không có một tầm nhìn rõ ràng hậu quả sẽ khôn lường cho tổ chức, có thể kể ra một vài hậu quả như: tổ chức bị vô hướng, không biết đi đâu về đâu, kinh doanh theo kiểu “thầy bói xem voi”, nhân sự không gắn kết, không vì mục tiêu chung,… Những hậu quả này có thể dẫn tới kết quả tồi tệ nhất như phá sản, để lại hậu quả xấu cho xã hội, cho nền kinh kế. Vậy chúng ta hãy cùng liệt kê một số ý nghĩa của tầm nhìn:

  • Có được đích đến của tổ chức: Tầm nhìn giúp chúng ta định lượng được rất rõ ràng các chỉ tiêu của tổ chức hay nói một cách khác thấy được rất rõ ràng đích đến. Như vậy nếu không có tầm nhìn thì dù tổ chức có đang đi nhưng cũng chỉ đến nơi vô định và hậu quả chính là những gì đã nêu ở trên;
  • Tìm được đường đi của tổ chức: Tầm nhìn là một mục tiêu, mục tiêu rõ ràng chúng ta sẽ tìm ra phương pháp chắc chắn để đạt được mục tiêu. Nếu tầm nhìn là đích đến thì phương pháp chính là đường đi. Tầm nhìn rõ ràng sẽ giúp định hướng rõ ràng còn đường đi và kiên định với con đường đó cho dù có nhiều biến động;
  • Hành động quyết liệt và đúng đắn: Tổ chức có tầm nhìn rõ ràng mới thực hiện hành động một cách quyết liệt, đơn giản bởi bạn sẽ không thể quyết liệt nếu như không biết được hành động vì cái gì và để đạt được kết quả ra sao. Ngoài ra tầm nhìn sẽ giúp những hành động của người trong tổ chức liên kết, thực hiện đúng đắn và hiệu quả tới từng cá nhân.
  • Gạt bỏ rào cản và dám nghĩ lớn: Rào cản là thứ luôn ngăn cản sự phát triển và đi lên của tổ chức, nó luôn làm chúng ta hoang mang, sợ hãi và giới hạn bản thân. Một tầm nhìn lớn, hay việc đặt các mục tiêu ngoài hiện trạng hay năng lực hiện có sẽ giúp tổ chức nhìn qua những rào cản này và mạnh mẽ tiến về phía trước.
  • Hiệu triệu thiên hạ: Như đã nói ở phần sứ mệnh, một tổ chức ra đời có muôn vàn thách thức cần vượt qua. Một tầm nhìn được công nhận cho thấy một bức tranh rất rõ ràng, đẹp đẽ và hấp dẫn. Nó cũng nêu rõ lợi ích, sự cân bằng và công bằng với đối với các bên tham gia vì vậy nó sẽ là lực hút giúp chúng ta “hiệu triệu thiên hạ”.

4.3. Mô hình doanh nghiệp theo “Nguyên tắc 5 ngón tay”

Một tầm nhìn cho tổ chức phải rất rõ ràng, vậy liệu chúng ta có thể rõ ràng hay không nếu chúng ta không nắm được bản chất cấu tạo của một doanh nghiệp hay tổ chức. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến các doanh nghiêp đặc biệt là khởi nghiệp thất bại vì chỉ luôn xây dựng theo tưởng tượng chủ quan, khi đã đạt được rồi thì lại tiếp tục tưởng tượng và dẫn tới không có gì là ổn định. Tôi sẽ đề cấp đến bản chất cấu tạo của doanh nghiệp theo nghiên cứu mô hình doanh nghiệp theo “Nguyên tắc 5 ngón tay”, theo mô hình này bản chất cấu tạo một doanh nghiệp có 5 phần: Sản phẩm dịch vụ, thị trường, quản trị, nhân sự, tài chính.

  • Sản phẩm dịch vụ: Một doanh nghiệp chắc chắn phải xác định sản phẩm dịch nhằm đáp ứng đúng ít nhất là một nhu cầu của khách hàng, đương nhiên doanh  nghiệp  phải  cam  kết  về  chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình;
  • Thị trường: Chúng ta phải xác định đâu là vùng thị trường và nó có phù hợp với năng lực hiện tại của doanh nghiệp hay không. Có bao nhiêu kênh hay cách thức bán hàng;
  • Quản trị: Bản chất ngón tay quản trị ở đây được hiểu là giúp cho doanh nghiệp tổ chức hệ thống, nó sinh ra các quy trình giúp doanh nghiệp vận hành và phát triển. Ví dụ đó là các quy trình đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ, các quy trình để đảm bảo chắc chắn bán được hàng, các quy trình hành chính, tài chính hay nhân sự …;
  • Nhân sự: Từ các quy trình, chúng ta sẽ biết chính xác những công việc phải làm gì, định biên nhân sự như thế nào và tiêu chuẩn nhân sự ra sao. Ngón tay nhân sự đảm bảo thứ nhất người lao động chắc chắn làm được việc hiệu quả qua đó có thu nhập và phúc lợi, thứ hai họ luôn được phát triển trong tổ chức và thứ ba họ được làm việc trong một môi trường đem lại sự hạnh phúc;
  • Tài chính: Hiểu rõ ngón tay tài chính sẽ giúp doanh nghiệp cân đối, biết rõ các điểm rơi tài chính như thu, chi, tồn, nợ vào thời điểm nào để phục vụ tốt nhất mục tiêu của doanh nghiệp.

“5 ngón tay” này trong doanh nghiệp phải đảm bảo sự công bằng và cân bằng. Hiểu được bản chất cấu tạo doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng được tầm nhìn rõ ràng và dễ hiểu.

4.3. Xây dựng và tuyên bố tầm nhìn

Cho dù hầu như tổ chức nào cũng có tuyên bố về tầm nhìn, tuy nhiên phần lớn còn khá chung chung và chưa vẽ được rõ ràng bức tranh tầm nhìn. Theo khảo sát của chúng tôi nguyên nhân chính thứ nhất do những người lãnh đạo tổ chức chưa hiểu đúng về tầm nhìn nên đang học, tìm hiểu các doanh nghiệp khác và copy lại. Thứ hai là do những chủ doanh nghiệp hay những người khởi nghiệp chưa hiểu bản chất cấu trúc của doanh nghiệp nên còn nhiều lung túng khi bắt tay xây dựng và tuyên bố tầm nhìn. Tầm nhìn là một bức tranh khá rõ ràng về tương lai nên chắc chắn phải rất cụ thể từng ngón tay trong “Nguyên lý 5 ngón tay”, có thể ví dụ về ngón tay nhân sự cụ thể như sau: “Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành một tập đoàn toàn cầu có mặt ở tất cả các nước trên thế giới, thu hút được trên một triệu lao động trình độ cao tới làm việc và cống hiến”. Ngoài ra cũng giống như sứ mệnh,một tầm nhìn cũng phải cụ thể hóa rất rõ ràng lợi ích cho các bên liên quan, đó là: Khách hàng, nhân sự tại tổ chức, cho chính tổ chức, nhà đầu tư, đối tác và cho xã hội. Chúng ta hãy nêu ra ở đây những điều kiện nào để một tầm nhìn được công nhận:

  • Nhất quán với sứ mệnh: Tầm nhìn diễn giải chi tiết hơn cho sứ mệnh và vẽ ra một bức tranh trong tương lai mà mình mong muốn, điều này giúp tổ chức thực hiện sứ mệnh. Vì vậy sứ mệnh là thứ không thay đổi thì tầm tầm nhìn có thể thay đổi vì nó dành cho một khoảng thời gian nhất định, tuy nhiên tầm nhìn luôn đi sau và phải đảm bảo nhất quán với sứ mệnh.
  • Dám nghĩ lớn: Như đã nói ở trên, tầm nhìn lớn sẽ giúp tổ chức vượt qua những rào cản, mạnh mẽ tiến về phía trước. Một tầm nhìn được công nhận phải vượt qua hiện trạng và năng lực hiện có.
  • Rõ ràng, hấp dẫn và tạo cảm hứng: Một tầm nhìn rõ ràng và tất cả các bên liên quan đều thấy lợi ích của họ trong thành công chung sẽ truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, giúp họ mạnh mẽ hành động và cam kết gắn cùng tổ chức.
  • Cơ sở lý luận chắc chắn: Để đảm tầm nhìn không phải là những điều hoang tưởng, phải có cơ sở lý luận rõ ràng để giải thích vì sao đạt được tầm nhìn đó.

Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn tới các bước để xây dựng một tầm nhìn, trước hết tầm nhìn là những gì rất cụ thể nên trước hết hãy thử tưởng tượng ra những gì trong tương lai với tổ chức. Sau đó hãy tự trả lời những câu hỏi: Tổ chức này sẽ thế nào? Lợi ích ra sao cho các bên liên quan? Tại sao lại đạt được điều đó?

  • Bước 1: Liệt kê lại cấu tạo doanh nghiệp theo “Nguyên tắc 5 ngón tay” và mô tả chung những tầm nhìn cho từng ngón tay. Ở bước này những tầm nhìn có thể chưa rõ ràng nhưng hãy cứ liệt kê, chúng ta sẽ làm rõ trong các bước tiếp theo. Bước 1 này là rất quan trọng vì nó là chìa khóa cho các bước tiếp theo và quyết định liệu bạn có vượt qua được rào cản để xây dựng tầm nhìn lớn hay không. Một kỹ thuật để vượt qua rào cản là đặt mục tiêu hoang tưởng, bạn hãy đặt mục tiêu hoang tưởng và tìm phương pháp thực hiện, qua đó sẽ có phương pháp để đạt được mục tiêu tốt nhất và bạn có thể đặt nó là mục tiêu thực tiễn hơn.
  • Bước 2: Mô tả chi tiết hay nói cách khác điều kiện chi tiết cho tầm nhìn chung đã nói ở bước 1. Ở bước 1 bạn có thể mô tả “Trở thành công ty toàn cầu” thì ở bước 2 bạn phải chi tiết điều kiện như sau: “Có khách hàng tại tất cả các nước trên thế giới, có văn phòng đại diện tại 150 quốc gia”;
  • Bước 3: Với từng mô tả về tầm nhìn đã nêu, làm rõ lợi ích cho từng bên liên quan đến tổ chức. Điều này xác nhận lại một lần nữa tầm nhìn nếu đạt đượcmang lại lợi ích như thế nào và chonhững ai;
  • Bước 4: Trình bày cơ sở lý luận chắc chắn để đạt được tầm nhìn. Ở bước 1 khi hình dung ra tầm nhìn chúng ta đã có những cơ sở lý luận, tuy nhiên ở bước 4 này cần chi tiết và giải thích rõ ràng, logic tại sao lại có thể đạt được tầm nhìn đó;

Các bước từ 1 đến 3 chúng ta cũng có thể thực hiện bằng cách liệt kê vào bảng và sau đây:

STT Ngón tay chức năng Tầm nhìn Điều kiện của tầm nhìn Lợi ích Cơ sở lý luận
Khách hàng Nhân sự tại tổ chức Nhà đầu tư Đối tác Tổ chức Xã hội
1 Sản phẩm dịch vụ
2 Thị trường
3 Quản trị
4 Nhân sự
5 Tài chính
  • Bước 4: Tuyên bố tầm nhìn và lấy ý kiến của các bên liên quan. Sau khi viết tầm nhìn theo chủ quan của mình, giống như sứ mệnh bạn hãy thực hiện tuyên bố và lấy ý kiến của các bên liên quan;
  • Bước 5: Chỉnh sửa lại tầm nhìn chủ quan. Dựa trên những ý kiến đóng góp, bạn hãy điều chỉnh lại tầm nhìn để đảm đạt được những điều kiện để tầm nhìn được công nhận;
  • Bước 6: Tuyên bố rộng rãi. Bạn đã hoàn thành bản tầm nhìn hãy công bố rộng rãi. Tầm nhìn không chỉ có giá trị thu hút những đối tác, nhân tài mà còn tạo cảm hứng giúp họ gắn bó với nhau để hướng đến mục tiêu chung.

5. Thực tiễn áp dụng tại một số doanh nghiệp

Một kết quả đáng mừng tại các doanh nghiệp mà chúng thôi tham khảo, sau khi xây dựng và tuyên bố sứ mệnh, thành công đầu tiên đó là niềm tin. Trước đây các chủ doanh nghiệp này đều luôn bị căng thẳng, lung túng khi làm việc với các đối tác, nhà đầu tư hay với nhân viên. Nhưng sau 3 đến 6 tháng khi bắt đầu xây dựng và tuyên bố sứ mệnh, tầm nhìn, đã có những hiệu quả nhất định đó là thu hút được đầu tư, tìm kiếm được đối tác, tỷ lệ nhân viên nhảy việc giảm, nhân viên tự giác làm việc… Nguyên nhân chính được tìm hiểu đó chính là có niềm tin, nó có được phần lớn qua việc xây dựng và truyền thông sứ mệnh, tầm nhìn tới các bên liên quan. Qua sứ mệnh và tầm nhìn họ tin tưởng vào những điều tốt đẹp đang thực hiện, thấy rõ lợi ích và thấy rõ đây là tổ chức của mình, việc này bước đầu xây dựng được niềm tin bất diệt với tổ chức.

Có nhiều cách lấy ý kiến và truyền thông khác nhau trong tổ chức, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều chia thành các nhóm để truyền thông và lấy ý kiến. Mỗi nhóm đều có đặc thù khác nhau nên cách truyền thông cũng phải khác nhau để đảm bao họ hiểu đúng và thoải mái đóng góp ý kiến. Công ty HL Cargo lập một group chung trên facebook (bao gồm nhân viên, lãnh đạo, nhà đầu tư, đối tác) để truyền thông và lấy ý kiến. Kết quả là tất cả đều rất hào hứng đóng góp và họ đã có rất nhiều ý tưởng mới, thậm chí sứ mệnh, tầm nhìn đã ngấm vào từng thành viên trước khi được công bố rộng rãi. Siêu thị nội thất Toka thì lại chia thành các nhóm nhỏ tương ứng với chức năng và trình độ khác nhau. Với mỗi nhóm lại có cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên kết quả mang lại là sự đoàn kết của nhóm lãnh đạo, nhóm chủ đầu tư, sự cam kết và làm việc hiệu quả của từng nhân viên.

“Mưa dầm thấm sâu” cũng là phương án được lựa chọn nhiều, với phương pháp này việc truyền thông thực hiện định kỳ hằng ngày, hằng tuần và mỗi lần chỉ ít một. Hiệu quả của phương pháp này khó thấy ngay, nhưng đến khi hiểu rõ nó sẽ găm vào sâu trong mỗi người. Công ty CP phát triển công nghệ VSHOME đang làm khá hiệu quả theo cách này, trong cuộc họp hằng tuần theo 10 bước đều có phần đào tạo 5 phút và thường xuyên truyền thông sứ mệnh, tầm nhìn. Kết quả thật bất ngờ, dù mới khởi nghiệp chưa lâu nhưng các nhà đầu tư và nhân viên luôn sẵn sàng đồng  hành  cùng  doanh  nghiệp, không phải vì tài chính mà chính vì niềm tin với tổ chức. Một cách khác để truyền thông khá hiệu quả chính là sự thay đổi của lãnh đạo, khi thay đổi tư tưởng nhân cách lãnh đạo sẽ giúp cho nhân viên nhìn nhận đúng và nắm được về sứ mệnh, tầm nhìn của tổ chức một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy sâu lắng, đây là cách mà công ty Gas và Bếp gas Hà Thành đang lựa chọn.

6. Kết luận

Với khởi nghiệp hay tái cấu trúc doanh nghiệp phải chắc chắn có một công thức để thành công, rrong công thức này thì sứ mệnh, tầm nhìn là một yếu tố tiên quyết. Sứ mệnh, tầm nhìn không chỉ là những câu ngắn gọn giống như chúng ta vẫn đang thấy hiện tai mà nó phải cực kỳ chi tiết, trong đó nếu sứ mệnh phải dành cho tất cả các bên liên quan thì tầm nhìn còn phải nêu rõ theo cấu tạo doanh nghiệp. Còn rất nhiều vấn đề cần bàn tới trong khởi nghiệp, trong phạm vị bào viết này tôi chỉ đề cập tới một phần. Nếu quý độc giả cần tìm hiểu sâu hơn hay có những thắc mắc có thể liên hệ với ban biên soạn kỷ yếu hoặc tác giả để có thể trao đổi kỹ hơn.

7. Tài liệu tham khảo:

  • Nghiên cứu “Mô hình doanh nghiệp theo 5 ngón tay” – Tác giả: Lê Anh Minh
  • BALANCED SCORECARD STEP-BY- STEP – Maximizing Performance and
  • Maintaining Results – Tác giả: Paul R. Niven
  • Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014 – Tác giả VCCI

Các doanh nghiệp tham khảo:

  • Công ty CP Đầu tư, Tư vấn và Huấn luyện AnewEdu;
  • Công ty TNHH Giao nhận hàng hoá HL Hà Nội;
  • Công ty CP Gas & Bếp Gas Hà Thành;
  • Siêu thị nội thất Toka;
  • Công ty CP phát triển công nghệ VSHOME;
  • Công ty CP hợp tác quốc tế Hà Nội HICA.

Tác giả: Nguyễn Việt Linh

Giám đốc nhân sự Công ty CP Đầu, Tư vấn và Huấn luyện AnewEdu

Trích: Kỷ yếu ngày nhân sự Việt Nam 2016

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *