Nghiên cứu nhận thức nhà quản trị về OKRs trong đánh giá thành tích tại doanh nghiệp Việt Nam (Phần 2)

Xem phần 1

3. Phương pháp nghiên cứu

Với mục tiêu đánh giá thực trạng nhận thức của nhà quản trị về triển khai OKRs trong đánh giá thành tích, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa phương pháp định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính. Trong đó, phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua phỏng vấn bán cấu trúc, nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua công cụ bảng hỏi khảo sát. Quy trình nghiên cứu được thực hiện qua giai đoạn thiết kế bảng hỏi khảo sát và bảng hỏi phỏng vấn; (ii) triển khai khảo sát sơ bộ; (iii) phỏng vấn chuyên gia và (iv) triển khai khảo sát trên diện rộng và phân tích dữ liệu.

3.1. Phương pháp nghiên cứu định lượng

Thứ nhất, thiết kế bảng hỏi

Trong nghiên cứu này, tác giả xây dựng bảng hỏi gồm 2 phần. Trong đó, phần 1 gồm thông tin về doanh nghiệp tham gia khảo sát và thông tin về các cá nhân trong doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tác giả làm rõ các thông tin về số lượng nhân viên, lĩnh vực hoạt động, số năm hoạt động, trình độ của người lao động, số năm kinh nghiệm của người lao động…

Phần thứ hai, nhóm câu hỏi về quan điểm, nhận thức của nhà quản trị về việc triển khai OKRs trong đánh giá thành tích gồm các nội dung: (i) nhận thức của nhà quản trị về phương pháp đánh giá thành tích với OKRs; (ii) nhận thức về vai trò của OKRs với doanh nghiệp; (iii) những khó khăn, thách thức khi triển khai OKRs trong doanh nghiệp. Tác giả xây dựng các biến quan sát cho từng nội dung dựa trên nghiên cứu của tác giả Lamorte và cộng sự (2016), John Doerr (2018) và Mai Xuân Đạt (2020). Các câu hỏi được thiết kế theo thang đo Likert 5 cấp độ (trong đó: cấp độ 1: rất không đồng ý và cấp độ 5: rất đồng ý).

Thứ hai, khảo sát sơ bộ

Sau khi chỉnh sửa phiếu khảo sát từ ý kiến của chuyên gia, tác giả tiến hành khảo sát sơ bộ với 35 nhà quản lý tại 11 doanh nghiệp tại Hà Nội theo nguyên tắc các doanh nghiệp đã triển khai OKRs trong đánh giá thành tích từ 6 tháng tới 1 năm. Các đối tượng tham gia khảo sát sơ bộ đánh giá mức độ rõ ràng, chính xác trong các thuật ngữ được sử dụng trong bảng hỏi, tính phù hợp với mục tiêu khảo sát. Dữ liệu khảo sát sơ bộ cũng được sử dụng để phân tích sơ bộ kết quả khảo sát nhằm đánh giá độ tin cậy, tính chính xác của thang đo.

Thứ ba, khảo sát chính thức

Với mục tiêu đánh giá thực trạng nhận thức của nhà quản trị về OKRs trong đánh giá thành tích, tác giả tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia khảo sát qua Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hiệp hội nhân sự (HRA). Sau khi tìm hiểu và lựa chọn các doanh nghiệp đã triển khai OKRs trong đánh giá thành tích, tác giả đã gửi lời mời tham gia khảo sát tới 120 doanh nghiệp và 255 nhà quản trị trong 120 doanh nghiệp đó. Thực tế, số doanh nghiệp đã tham gia khảo sát là 86 doanh nghiệp đạt 71,67%. Cùng với đó, tác giả đã thu hồi được 212 phiếu khảo sát từ 212 nhà quản trị cấp trung, cấp cao, chủ doanh nghiệp (tỉ lệ đạt 83,13%). Các doanh nghiệp tham gia khảo sát ở 3 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh là những địa phương phương có số lượng doanh nghiệp lớn đại diện miền bắc, miền trung và miền nam. Về công cụ, tác giả kết hợp giữa gửi các phiếu khảo sát được in ấn và đường link khảo sát qua công cụ google drive. Trong thời gian khảo sát chính thức được thực hiện trong 6 tháng từ tháng 12/2021 tới 6/2022.

3.2. Phương pháp nghiên cứu định tính

Trong nghiên cứu này, nghiên cứu định tính được thực hiện nhằm mục tiêu: (i) hoàn thiện phiếu khảo sát từ chuyên gia là những giảng viên, nhà nghiên cứu trong trường đại học, viện nghiên cứu và (ii) tiếp nhận các ý kiến từ phía những nhà quản trị, giám đốc doanh nghiệp về làm rõ thêm kết quả nghiên cứu từ nghiên cứu định lượng

Thứ nhất, phỏng vấn sâu với chuyên gia để hoàn thiện phiếu khảo sát

Sau khi thiết kế thang đo, để đảm bảo yêu cầu tính khoa học, tác giả đã gửi phiếu khảo sát cho 5 chuyên gia là những giảng viên giảng dạy và nghiên cứu về quản trị nhân lực, đặc biệt có kinh nghiệm ít nhất 05 năm trong giảng dạy về đánh giá thành tích. Với góp ý từ các chuyên gia, tác giả điều chỉnh lại các thuật ngữ trong các biến quan sát ở phiếu khảo sát. Tiếp đó, tác giả lấy ý kiến góp ý của 10 chuyên gia trong Hiệp hội nhân sự (HRA) để hoàn thiện thêm phiếu khảo sát trước khi triển khai thu thập và phân tích dữ liệu trên diện rộng.

Thứ hai, phỏng vấn sâu với chuyên gia để phân tích và làm rõ kết quả khảo sát từ nghiên cứu định lượng

Sau khi tác giả tiến hành khảo sát trên diện rộng và phân tích dữ liệu để có được kết quả từ phân tích định lượng, tác giả tiến hành phỏng vấn chuyên gia với nhà quản trị cấp trung, cấp cao và các chủ doanh nghiệp đã triển khai OKRs trong đánh giá thành tích.

Tác giả sử dụng phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc, trong đó, các câu hỏi phỏng vấn được tác giả xây dựng nhằm làm những kết quả, nguyên nhân của kết quả về nhận thức, mức độ am hiểu chỉ số OKRs với các nhà quản trị trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tác giả cũng đặt ra các câu hỏi gợi mở để các nhà quản trị có thể chia sẻ thông tin nhiều hơn về mục tiêu khi triển khai OKRs, những khó khăn, thách thức khi triển khai OKRs trong doanh nghiệp.

Quá trình phỏng vấn được thực hiện với 10 Giám đốc và trưởng phòng nhân sự của các doanh nghiệp đã triển khai áp dụng OKRs trong doanh nghiệp (06) và 04 nhà quản trị trong doanh nghiệp đang triển khai được hệ thống đánh giá theo OKRs.

 3.3. Phân tích dữ liệu

Phân tích dữ liệu định lượng: với mục tiêu đánh giá độ tin cậy và tính chính xác của thang đo được sử dụng trong nghiên cứu, tác giả phân tích chỉ số Cronbanh Alpha và chỉ số KMO theo nghiên cứu của Hair, Black, Babin, Anderson và Tatham (1998) và Nguyễn Đình Thọ (2012). Sau khi kiểm định độ tin cậy và chính xác của thang đo, tác giả tiến hành phân tích thống kê nhằm có dữ liệu sơ cấp để phân tích về kết quả nghiên cứu.Tác giả sử dụng phần mềm SPSS 18 nhằm đánh giá sơ bộ mức độ tin cậy và độ chính xác của thang đo được sử dụng trong nghiên cứu và Excel để phân tích mô tả trong nghiên cứu.

Phân tích dữ liệu định tính: các dữ liệu định tính được tập hợp từ quá trình phỏng vấn với chuyên gia. Các dữ liệu được thu thập từ quá trình khảo sát được mã hóa, phân lớp dữ liệu theo các chủ đề. Do đối tượng khảo sát khá nhỏ cùng với nội dung khảo sát chuyên sâu trên phạm vi hẹp, tác giả không sử dụng các phần mềm chuyên sâu để phân tích dữ liệu sơ cấp từ phỏng vấn.

Xem tiếp Phần 3

Trích: NGHIÊN CỨU NHẬN THỨC NHÀ QUẢN TRỊ VỀ PHƯƠNG PHÁP MỤC TIÊU VÀ KẾT QUẢ THEN CHỐT (OKRs) TRONG ĐÁNH GIÁ THÀNH TÍCH TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
RESEACH ON MANAGER’S PERCEPTION OF THE OKRs IN PERFORMANCE APPRAISAL IN VIETNAM ENTERPRISES
Tác giả: T.S Tạ Huy Hùng – Dự án Liên kết Đào tạo quốc tế – Học viện Tài chính

One thought on “Nghiên cứu nhận thức nhà quản trị về OKRs trong đánh giá thành tích tại doanh nghiệp Việt Nam (Phần 2)

  1. Pingback: Nghiên cứu nhận thức nhà quản trị về OKRs trong đánh giá thành tích tại doanh nghiệp Việt Nam (Phần 1) - ICD Education

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *