Đừng xem nhẹ thời gian thử việc

thời gian thử việc

Bất cứ công ty nào khi nhận nhân viên vào làm cũng đưa ra một mức thời gian thử việc, có 3 mức thời gian thử việc hay được các doanh nghiệp áp dụng là 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Tuy nhiên có rất nhiều ứng viên chỉ thử việc được vài ngày đã đành phải chia tay với công ty.

Tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian các tân cử nhân, kỹ sư ra trường cũng là lúc họ lục đục mang đơn đi tìm việc khắp nơi. Hàng năm số lượng cử nhân ra trường thất nghiệp rất cao, một phần là do họ chưa có kinh nghiệm thực tế nhưng cũng có rất nhiều trường hợp tự tin thái quá với tấm bằng đại học không bằng lòng với mức lương thử việc ít ỏi ban đầu nên chưa vượt qua được thử thách của nhà tuyển dụng.

Khi nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp cần người có tài và có tâm cho doanh nghiệp vì thế các nhà quản trị nhân sự đòi hỏi rất nhiều ở ứng viên của mình. Trên thực tế, nhiều ứng viên thể hiện tốt vượt qua được vòng phỏng vấn nhưng khi vào làm việc họ lại khiến cấp trên của mình vô cùng thất vọng. Nhiều người tỏ ra có thái độ, ý thức kém sai lệch với công việc, thậm chí cả với những gì họ đã thể hiện trong vòng phỏng vấn trước đây. Trường hợp phổ biến nhất là các tân cử nhân, kỹ sư đặc biệt khối kinh tế, quản trị có bằng đại học luôn nghĩ rằng mình được đào tạo bài bản nên có thể làm được việc, họ luôn tỏ ra tự tin thái quá, họ cho rằng mình phải đảm nhiệm những công việc quan trọng hơn những phần việc mà công ty đang giao cho. Thực tế, không một công ty nào dám mạo hiểm giao những việc quan trọng cho một nhân viên mới “chân ướt chân ráo” mới vào nghề được. Thông thường những nhân viên thử việc sẽ được giao những công việc đơn giản, đôi khi là những việc không đúng chuyên ngành, sở trường… mục đích của việc này để thách thức sự kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm của nhân viên trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng chính thức. Có đến 30% ứng viên rơi rớt trong quá trình thử việc do họ tỏ ra không hứng thú và hời hợt với công việc.

Nói về tinh thần trách nhiệm, Chị Lâm Phương Nga- giám đốc nhân sự công ty Bảo Việt Life cho biết: Các nhân viên mới thường tỏ ra thiếu trách nhiệm với công việc mình được giao. Với vai trò của một nhà nhân sự, chúng tôi thường đưa ra công việc với những áp lưc, khó khăn cho nhân viên đòi hỏi nhân viên phải bỏ thời gian, công sức và sự sáng tạo. Tuy nhiên có đến 70% ứng viên đã từ bỏ công việc mình muốn sau khi nghe thấy điều đó. 30% ứng viên còn lại cũng dần dần mà bỏ vị trí đó đi sau một thời gian thử việc do họ nghĩ mức lương không hề tương xứng với công sức mình bỏ ra. Chị Nga cũng cho biết đây chỉ là một phương thức “thử thách” nhân viên để tìm được người có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Vậy nguyên nhân nào khiến nhiều ứng viên còn thiếu tinh thần trách nhiệm như vậy?

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là thái độ của nhân viên mới, người Việt Nam rất hay ‘đúng núi này trông núi nọ”. Trước khi được nhận vào “thử việc” chắc chắn họ đã “rải” hồ sơ ở một loạt các công ty, lý do họ chưa dám hết mình với công việc bởi lẽ họ coi công ty chỉ là chỗ dừng chân tạm thời khi nào có công ty tốt hơn họ sẽ chẳng ngại ngần mà “nhảy việc”. Đa số ứng viên mới ra trường thường không đầu tư công phu trong quá trình tìm việc, thấy công ty nào tuyển là họ nộp vào mà không hề có sự chuẩn bị tìm hiểu kỹ lưỡng xem mình có phù hợp với văn hóa công ty, có đáp ứng được yêu cầu hay công việc mình làm có nhàm chán và áp lực không.

Một số doanh nghiệp đưa ra mức lương khá thấp trong quá trình thử việc. Theo quy định của bộ luật lao động mức lương thử việc phải đảm bảo 85% lương chính thức nhưng nhiều doanh nghiệp trả thấp hơn thậm chí còn không trả lương trong quá trình này. Điều này cũng rất dễ gây ra sự chán nản, không muốn cống hiến hết năng lực trong tâm lý của nhân viên mới.

thời gian thử việc mức lương thử việc

Để hạn chế số lần thử việc trước khi ổn định tại một số vị trí chính thức các ứng viên nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu công việc trước khi đưa ra quyết định nộp hồ sơ và đồng ý làm việc cho doanh nghiệp. Có nhiều kênh tuyển dụng giúp ứng viên tiếp cận, sàng lọc và lựa chọn được công ty mình thực sự muốn làm, phù hợp với năng lực của bản thân. Hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu là cách tốt nhất để tiết kiệm thời gian cũng như trí tuệ cho công việc cũng như tương lai của mình.

Một lời khuyên đưa là để tránh rơi rớt trong quá trình thử việc là trước khi nhận công việc, rất nhiều doanh nghiệp hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu? Hãy tinh tế và khôn khéo khi trả lời câu hỏi này. Các bạn cũng nên dành thời gian để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, hết mình với công việc trước khi đòi hỏi mức lương tương xứng. Nếu bạn làm tốt công việc của mình chắc chắn doanh nghiệp sẽ không để bạn bị thiệt thòi. Chúc các bạn vượt qua vòng thử việc thành công.

EduViet tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *