Nhân lực trước áp lực tự động hóa: Thay đổi hay là chết?

Xã hội phát triển, công việc không ít đi, chỉ là khả năng đáp ứng công việc của máy móc quá lớn so với con người, đòi hỏi nhân lực phải vận động hơn nữa để không bị đào thải. Vấn đề là chuẩn bị thế nào để có thể thích ứng?

Sự phát triển công nghệ đã và đang là một trong những yếu tố quan trọng khiến khoảng cách giữa lao động cấp cao và lao động phổ thông ngày càng lớn. Lợi ích cơ bản của việc tự động hóa là giúp tiết kiệm nhân lực cấp thấp, tăng độ chính xác trong các ngành cơ khí, dây chuyền sản xuất… Tự động hóa sẽ khiến số lượng lao động giản đơn giảm thiểu đáng kể.

Không bị đe dọa

Nói về xu hướng tự động hóa, ông Vũ Tuấn Anh, sáng lập viên, điều hành Viện Quản lý Việt Nam, cho biết những công nghệ mới như S.M.A.C [viết tắt của social (xã hội), mobile (di động), analytics (phân tích dựa trên dữ liệu lớn) và cloud (đám mây)], công nghệ gen, công nghệ nano, trí thông minh nhân tạo… đã và đang tạo ra những công cụ và trang thiết bị hỗ trợ đắc lực cho con người. Với những công nghệ này, trong vòng từ ba đến năm năm tới, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi. Ví dụ, thiết bị máy móc có thể theo dõi sát sao các thông số sức khỏe của con người, như vậy một trong những công việc mà các điều dưỡng trong bệnh viện phải làm hàng ngày như hiện nay là đo các chỉ số cho bệnh nhân sẽ không còn cần đến nữa. Trong xu hướng này, công việc không mất đi nhưng hiệu suất làm việc phải tăng lên, những người không thích ứng được sẽ bị đào thải. Theo ông Tuấn “nếu không nhìn thấy và chuẩn bị, nhân lực Việt Nam sẽ bị đào thải khỏi cuộc chơi lớn này”.

Quan sát trên thị trường lao động hiện nay, có một thực tế khó phủ nhận là trong khoảng thời gian một hai năm trở lại đây, không chỉ mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đang thay đổi mà cả xu hướng dùng người cũng không còn như trước. Doanh nghiệp đang thiên về việc tuyển nhân viên “thời vụ” thay vì tập trung cho nguồn nhân lực cơ hữu. “Tự động hóa càng nhiều thì tính cá nhân càng được đánh giá cao”, ông Tuấn nhận xét.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Navigos Search miền Nam, thương hiệu chuyên về tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam cho biết, lịch sử phát triển của công nghệ đã chứng minh rằng mỗi phát minh của con người đều có ảnh hưởng nhất định đến tuyển dụng. Những ảnh hưởng của xu hướng tự động hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo là rất tích cực. Cụ thể, máy móc chắc chắn sẽ không thể thay thế con người đối với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo hoặc khả năng xử lý tình huống. Máy móc được lập trình, cho dù tiên tiến đến đâu thì vẫn có những tình huống mà chỉ có sự linh hoạt kết hợp với các giác quan của con người mới có thể xử lý được.

Đồng thời, xã hội cần óc sáng tạo để có thể thiết kế các bộ vi xử lý cho mục đích tự động hóa. “Như vậy, lực lượng lao động chân tay sẽ bị đào thải nhưng đối với nguồn nhân lực cấp cao hoặc các chuyên gia thì chính công nghệ sẽ giúp họ nâng cao hiệu quả làm việc. Giúp cho họ ngày càng phát triển hơn cũng như có mức lương ngày càng cao”, bà Mai khẳng định.

Minh chứng rõ nhất là cách đây 10 năm, khi tuyển vị trí giám đốc tài chính, khách hàng của Navigos đưa ra những yêu cầu thiên về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn với các chuẩn mực kế toán như VAS, IFRS hoặc GAAP. Nhưng hiện nay, nhà tuyển dụng đòi hỏi các ứng viên phải đáp ứng thêm yêu cầu về kinh nghiệm sử dụng hệ thống như SAP, Oracle để quản lý tài chính và xử lý các thông tin tài chính. Công nghệ đã thật sự trở thành một phần không thể tách rời của nhân sự cấp cao trong công việc hàng ngày của họ.

“Riêng với bối cảnh Việt Nam hiện tại cũng như vài năm tới, dù có tiến đến tự động hóa thì vẫn rất cần sự hiện diện của con người”, Nguyễn Minh Kiên, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ mIdeas, nhận xét. Đơn cử, với dịch vụ tư vấn ở các bệnh viện chẳng hạn, lượng nhân viên tư vấn hiện nay chưa thể giải quyết hết nhu cầu thông tin từ phía người bệnh. Nếu có sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo, các yêu cầu thông tin cơ bản của người bệnh sẽ được giải quyết, nguồn nhân lực tư vấn hiện tại sẽ có thời gian phục vụ cho những người có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết và sâu hơn. Vô hình trung, tự động hóa cũng góp phần nâng cao năng lực nhân viên.

Nhân lực trước áp lực tự động hóa: Thay đổi hay là chết?

Chuyển hướng: khi nào?

Theo bà Nguyễn Phương Mai, các nền kinh tế phát triển đang chuyển dần từ cạnh tranh về hàng hóa sang cạnh tranh về trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, lao động cấp thấp có thể chuyển sang những lĩnh vực dịch vụ khách hàng, giúp khách hàng trải nghiệm tốt hơn. Đó là điều mà chỉ có con người mới có thể làm được.

Hiện nay các trang web tuyển dụng đang phát triển rất nhanh và cạnh tranh khốc liệt, khiến việc tuyển dụng ngày càng trở nên tiện lợi và tiết kiệm chi phí hơn. Đã có những băn khoăn trong ngành tư vấn tuyển dụng rằng liệu một ngày nào đó các trang web tuyển dụng sẽ thay thế các chuyên gia tư vấn tuyển dụng? Liệu các tư vấn viên sẽ phải đối diện với nguy cơ không còn cơ hội việc làm và phải đi tìm cơ hội nghề nghiệp khác?

Câu trả lời là không. Các trang web tuyển dụng có thể đưa ra những từ khóa để giúp nhà tuyển dụng tự động chọn ra những hồ sơ phù hợp với yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng các trang web đó không thể thay các tư vấn viên giàu kinh nghiệm trong việc đánh giá hành vi, thái độ, động lực nghề nghiệp và sự phù hợp của ứng viên với môi trường làm việc của công ty khách hàng. Trang web tuyển dụng cũng không giúp được các công ty tìm và “săn” được những nhân tài không chủ động đi tìm một công việc mới. Và dĩ nhiên, trang web tuyển dụng không thể là một nhà tư vấn có thể thấu hiểu và đề xuất những giải pháp phù hợp cho những vấn đề nhân lực mà khách hàng gặp phải.

Như vậy, đội ngũ lao động trẻ không cần lo lắng rằng máy móc sẽ lấy mất cơ hội nghề nghiệp. Công nghệ phát triển sẽ khiến một số loại hình công việc biến mất, nhưng những loại hình công việc khác sẽ lại phát sinh.
Hai mươi năm trước đây, nghề lập trình viên không hề tồn tại. Ai biết được 20 năm nữa sẽ có những công việc nào xuất hiện trên thị trường lao động? Vấn đề là liệu chúng ta có sẵn sàng để nắm lấy những cơ hội nghề nghiệp mới khi chúng xuất hiện? “Tác động của cơn bão công nghiệp hóa chắc chắn không hề nhỏ nhưng chúng ta không thể đi ngược gió mà phải đối mặt, thay vì né tránh”, ông Vũ Tuấn Anh chia sẻ.

Nguồn  The Saigon Times

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *