Sao sếp nam khó tính thì gọi “Xuất sắc”, sếp nữ khó tính thì kêu “Người đàn bà thép”?

“Một người phụ nữ thành công và chủ động, thường người ta nói người phụ nữ là “ghê gớm”, “đáng sợ”, “người đàn bà thép”. Trong khi đàn ông được gọi là “mạnh mẽ và quyết đoán”, bà nghĩ thế nào về quan điểm xã hội này?”, CEO HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải đặt câu hỏi cho các diễn giả nữ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện Women’s Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức.

Câu hỏi này được gửi đầu tiên tới bà Nguyễn Bạch Điệp – người thường được gọi là “nữ tướng” hay “người đàn bà thép” của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail).

“Tôi thấy người ta nhận xét tôi là “Người đàn bà thép” nhưng cũng không biết từ đâu ra. Thực ra mình tin vào mình, không quan tâm đến đó là nhận xét tích cực hay tiêu cực”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail trả lời.

Chia sẻ về câu hỏi này, bà Thái Vân Linh – Giám đốc chiến lược và vận hành Công ty quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital (thường được gọi là Shark Linh) cho rằng: Khi đọc câu hỏi này trong email, thoạt đầu bà đã cười bởi thấy câu hỏi này hơi tếu.

Nhưng khi suy nghĩ lại, Shark Linh giật mình thắc mắc rằng vì sao lại gọi người phụ nữ này là “thép”, từ “thép” mang nghĩa tích cực hay tiêu cực?

Shark Linh bày tỏ khi gặp CEO FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp, bà thấy nữ CEO này là người dễ thương, vui vẻ, có thể cách gọi này xuất phát từ sự “khó tính” trong công việc. “Nhưng trong công việc, ai cũng phải khó khi phải đặt ra những mục tiêu, tiêu chuẩn rất cao. Vì sao nếu người nam khó tính, người ta gọi là người “xuất sắc”, nhưng nếu người nữ khó tính, mình kêu họ là phụ nữ thép?”, Shark Linh đặt vấn đề.

Bóng hồng duy nhất trong dàn Shark chính của Shark Tank Việt Nam cho biết, những khuôn mẫu này có từ ngày xưa và khiến bà rất khó chịu.

Có lẽ khi còn nhỏ, từ trong gia đình, khi mua đồ chơi cho các cháu nhỏ, nếu là bé trai sẽ mua đồ chơi màu xanh, mua những đồ như búa, ốc vít… để bé trai tự xây dựng, thỏa sức sáng tao. Còn nếu là bé gái, mọi người thường mặc định sẽ mua búp bê – một con búp bê mặc váy hồng. Con gái hẳn phải thích màu hồng, và việc mua búp bê cho bé gái đã mặc định một bé gái tính phải mềm mại, biết chăm sóc người khác.

“Giờ Linh xin đưa ra một thử thác cho các bạn. Các bạn cần mua đồ chơi cho bé, nếu là bé nam hãy mua một búp bê mặc quần áo màu hồng, để nói cho bé trai cần có khả năng học hỏi cách chăm sóc người khác. Nếu mua quà cho bé gái, hãy mua bộ búa, vít để bạn tự học cách sáng tạo và xây dựng một cái gì đó”.

“Hôm nay chúng ta ngồi đây, việc hỏi những nữ lãnh đạo một câu nhạy cảm như vậy có thể thay đổi bắt đầu từ các bạn ở đây. Linh hy vọng mình có thể thay đổi những khuôn mẫu này để những phụ nữ trong tương lai không cần phải trả lời những câu như vậy”, Shark Linh chia sẻ.

Ngay trong Startup cũng tồn tại sự bất bình đẳng, ở Silicon Valley, nữ gọi vốn chỉ được 5 triệu USD, còn nam gọi vốn deal đến 12 triệu USD dù tỷ lệ thất bại cao như nhau

Câu chuyện bất bình đẳng tưởng như chỉ tồn tại trong những mực thước truyền thống, ở những “con người cũ”, nhưng thực tế chuyện này tồn tại ngay ở những Startup công nghệ – những thế hệ tiếp xúc nhiều với những nền tảng kiến thức hiện đại.

Bà Jan Lederman – Chủ tịch Quỹ đầu tư Valhalla – chia sẻ trong một hội thảo mới đây cho biết, theo số liệu từ Mỹ, năm 2017, 2% số tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đổ vào các startup do nữ làm chủ, đã tăng so với tỷ lệ 1,9% trước đó.

Shark Linh nói về bình đẳng giới: Sao sếp nam khó tính thì gọi Xuất sắc, sếp nữ khó tính thì kêu Người đàn bà thép? Các bạn có dám nhận thách thức mua cho bé trai một búp bê mặc váy hồng? - Ảnh 2.

“Trung bình 1 deal cho startup do nữ lãnh đạo chỉ được rót 5 triệu USD, trong khi startup do nam lãnh đạo được rót vốn tới 12 triệu USD. Như vậy có sự khác nhau rất lớn về con số đầu tư mà DN nữ và DN nam nhận được. Nhưng điều đang xảy ra ở Mỹ là một số Startup cũng đang lỗ”, bà Jan nói.

Như vậy, dù rót vốn cho các Startup do nam lãnh đạo nhiều hơn, nhưng rõ ràng là việc đầu tư này cũng không hiệu quả khi tỷ lệ thất bại ở startup do nam lãnh đạo và nữ lãnh đạo là như nhau.

Fortune cũng đưa ra số liệu các VC rót vốn vào Startup có leader là nam, nữ, hoặc cả nam lẫn nữ trong suốt 10 năm, từ 2006 – 2016 để thấy rằng: Bình đẳng giới trong việc rót vốn đã có chút tín hiệu lạc quan, nhưng khoảng cách nhận được vốn đầu tư giữa Startup do nam và nữ lãnh đạo vẫn còn rất lớn.


Bình An

Theo Trí Thức Trẻ

Bài Viết Gốc Được Đăng Tại Đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *