Có thể bạn chưa biết: Kỹ năng nhân sự

kỹ năng nhân sự

Có lẽ các bạn đều nghĩ, kỹ năng nhân sự à, cứ ra trung tâm học là xong. Tôi không biết làm cách nào các trung tâm đã xây dựng lên trong đầu bạn tư tưởng ấy. Nó đúng, nhưng không hoàn toàn.

Ừ thì đi học ở trung tâm bạn sẽ có cơ hội va chạm với nhiều người hơn, có thêm một vài mối quan hệ, được định hướng về cách thức, phương pháp bla bla về kỹ năng là gì, bạn cần những kỹ năng gì, bạn cần rèn luyện ra sao… nhưng nó không phải là tất cả. Tôi gặp không ít phụ huynh cho con đi học kỹ năng sống ở trường, nhưng đến lúc về nhà cháu còn chả biết cần phải chào khách đến nhà, chào ông bà khi đi học về. Thế là vứt, nhỉ?

Các bạn có thể cười tôi lấy ví dụ quá trẻ con, làm sao lại mang trẻ con ra so sánh với người lớn, rồi là người lớn được đi học nhiều, hay sống lâu hơn, người lớn biết cách cần phải làm gì.

Vậy kỹ năng là như thế nào?

Thế này nhé, các bạn sống đến từng tuổi này, chắc cũng nhiều người biết bơi. Vậy làm thế nào để biết bơi? Chắc chắn là vào một thời điểm nào đó, khi còn nhỏ (hoặc khi bạn còn trẻ hơn bây giờ) bạn đã từng ra sông, ra ao hồ gì đó, được một ai đó, chỉ cho cách thở dưới nước như nào, làm thế nào để nổi trên mặt nước, rồi gạt nước ra sao… rồi mới bơi được vài mét. Bạn lặp đi lặp lại hành động ấy nhiều lần, nhiều năm, nên giờ bạn có thể ra biển bơi tẹt ga vài trăm mét.

Bơi có lẽ vẫn còn là ví dụ khó tưởng tượng. Để tôi lấy cái ví dụ phổ cập hơn. Chắc ai cũng đã từng đi xe đạp (xe hai bánh nói chung). Tôi biết không ít người cho rằng đây là thứ ai cũng biết, nhưng này, không phải ai cũng chịu suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Tất nhiên, bạn cũng phải tập sao để giữ được cái xe thăng bằng, đạp cho bánh xe chuyển động… Và tập hợp những hành động của chân, tay, mắt… lặp đi lặp lại nhiều lần để bạn đi được xe đạp, xe máy né ổ gà, phi lên vỉa hè, luồn lách giữa chợ người mỗi hôm tắc đường, đó gọi là kỹ năng.

Mỗi một chi tiết nhỏ từ tĩnh đến động hay luân chuyển liên kết đều tạo thành những chuỗi hành động của con người, đó là sự tập hợp những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp cấu thành. Như vậy, để hoàn thành  một công việc thì ta phải làm hàng chuỗi công việc liên quan đế công việc đó và bổ trợ cho nó. Công việc đó lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ hình thành kỹ năng.

Tại sao nói kỹ năng nhân sự cần thiết cho mọi cấp quản lý?

Sự phát triển của công ty phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và kỹ năng làm việc của mỗi người lao động. Đối với nhà quản trị cấp cao, công việc chính của họ là đưa ra các chiến lược, họ giao tiếp với cả người bên ngoài và bên trong tổ chức, nên kỹ năng nhân sự là không thể thiếu. Đối với nhà quản trị cấp trung thì họ là người bổ sung kế hoạch và chiến lược, giao tiếp với cấp trên và cấp dưới nên kỹ năng nhân sụ là rất cần thiết. Còn với nhà quản trị cấp cơ sở, phần lớn thời gian tham gia vào công việc chuyên môn và trực tiếp hướng dẫn nhân viên, nên mỗi người cần phải rèn luyện cho chính mình khả năng khai thác thông tin, sử dụng các công cụ hiện đại, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục..

Những kỹ năng nhân sự cần thiết với các nhà quản lý lẫn nhân viên bao gồm:

– Kỹ năng giao tiếp:

Đối với tôi, kỹ năng giao tiếp là kỹ năng quan trọng nhất, mà mỗi người dù bạn đang là nhà quản lý cấp trung, cấp cao hay chỉ lập bập cấp nhân viên quèn cũng cần phải rèn luyện mỗi ngày. Vì sao, nếu bạn là nhà quản lý, hàng ngày bạn  phải làm việc với rất nhiều nhân viên và các “cấp trên” khác nữa với nhiều tính cách trái chiều, đa dạng. Giao tiếp tốt và khéo léo sẽ giúp bạn hiểu hơn về họ, từ đó việc huấn luyện nhân viên, ra quyết định hiệu quả, hiệu suất sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Nếu bạn là nhân viên, việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp lại càng quan trọng hơn. Ai cũng có ước mơ bay cao bay xa (cứ cho là như thế, còn nếu bạn không có ước mơ thì cần xem lại, vì có thể bạn chỉ đang sống mòn, thế thì buồn lắm) nếu kỹ năng giao tiếp với bạn bè đồng nghiệp và đặc biệt là giao tiếp với các sếp mà không tốt, thì dù bạn tài năng đến đâu, con đường băng để bạn có thể bay cũng gặp ghềnh hơn rất nhiều, mà có thể là bạn chưa bay đã hạ cánh.

Thiếu kỹ năng mềm có nguy cơ mất việc làm và đồng thời sự nghiệp không thắng tiến

Kỹ năng giao tiếp cũng bao gồm cả việc lắng nghe. Sở thích thao thao bất tuyệt về thành tích cá nhân nhưng lại bịt tai chẳng chịu lắng nghe người khác khiến những “nhân tài” kiểu ấy cũng  khó mà phát triển về sau. Các bạn nên lưu ý và sửa mình hàng ngày.

– Kỹ năng tổ chức và đảm nhận nhiều nhiệm vụ

Tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay (Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp kiểu này) thì việc một nhân viên có khả năng làm nhiều nhiệm vụ rất được coi trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nhiều thì nhân viên marketing có thể kiêm thêm nhiệm vụ tuyển dụng nhân sự; nhân viên hành chính có thể kiêm luôn việc đào tạo nhân sự, đánh giá; nhân viên kế toán kiêm việc chấm công, tính lương, thưởng cho người lao động, xử lý các giấy tờ liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN… Lâu dần, bạn sẽ quen với công việc mới và nghĩ đến chuyện chuyển nghề luôn cũng nên.

Chuyện tôi kể chắc chả có gì mới với nhiều người có khả năng tổng hợp, tổ chức công việc một cách hợp lý để giải quyết mớ công việc ngồn ngộn vốn chẳng phải thuộc chuyên môn hay được đào tạo bài bản tại trường đại học. Đó là thực tế đang diễn ra tại rất nhiều doanh nghiệp và biết đâu bạn cũng là vai chính mà tôi đang nhắc đến.

– Kỹ năng phán đoán – Kỹ năng công nghệ

Người làm nghề nhân sự, hành chính, kế toán… nói chung là nhân viên văn phòng phải làm việc với rất nhiều phòng ban và nhiều nhân viên. Khả năng phán đoán càng chính xác thì việc đàm phán thống nhất hợp đồng giữa các bộ phận hoặc hợp đồng lao động, tiền lương với nhân viên sẽ càng chính xác và công bằng hơn. Kỹ năng phán đoán còn quan trọng hơn nữa mỗi khi bạn phải sử dụng/sửa chửa một loại thiết bị công nghệ mới mà tiện đây tôi gom vào làm một cái tên kỹ năng công nghệ. Nghĩa là, bạn cần biết sử dụng các loại máy móc hành chính văn phòng như máy in, máy photo, máy chiếu,… và biết phán đoán xử lý tình huống khi máy in không kéo giấy, máy photo bị kẹt, máy chiếu không nhận laptop… Bạn cứ tin tôi đi, rồi một ngày nào nó bạn sẽ thấy mình thật khôn ngoan khi có thể tự dùng, tự sửa (mức căn bản) những loại máy móc đó.

– Kỹ năng trình bày, viết lách

Không chỉ các quản lý nhân sự là người đưa ra rất nhiều kế hoạch chiến lược nhân sự phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty phải quan tâm rèn luyện khả năng viết lách, mà hầu hết những anh chị nhân viên văn phòng các cấp muốn công việc của mình trôi chảy, muốn dẹp bớt những “nào phiến” không đáng có thì kỹ năng trình bày, diễn đạt ý cũng như kỹ năng viết lách phải thành thạo. Suy nghĩ linh hoạt, sáng tạo cũng như khả năng trình bày, viết lách là những kỹ năng rất có lợi cho sự nghiệp củabạn.

– Kỹ năng tìm hiểu – thu thập thông tin

Đừng quá tin vào những gì người khác nói, cho dù người đó có “khủng” cỡ nào đi nữa. Là một nhà quản lý, nhân viên hành chính nhân sự hay nhân viên văn phòng phải kiêm nhiệm công việc hành chính nhân sự bạn cần rèn luyện kỹ năng khai thác, thu thập thông tin, điều này sẽ hỗ trợ bạn trong việc lập báo cáo, ra các quyết định cho chính bản thân mình hoặc hỗ trợ sếp ra quyết định cho doanh nghiệp.

kỹ năng nhân sự - kỹ năng làm việc nhóm

– Kỹ năng làm việc nhóm:

Tất nhiên đây là kỹ năng quan trọng không phải nghĩ bàn nếu bạn muốn gia nhập vào các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nước ngoài.

Tôi có thể nói đơn giản như này, cuộc sống hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng cập nhật giá trị và hoàn thiện giá trị của mình. Để tồn tại và phát triển, với bất kỳ ai, việc có công việc làm để đảm bảo sự tồn tại của cuộc sống là vô cùng quan trọng. Việc rèn luyện kỹ năng nhân sự để có thể bay cao, bay xa hơn trong cuộc đời của mình, hoặc để giữ nguyên vị trí của mình còn quan trọng hơn. Không ai có thể nói rằng mình không còn gì để học nữa, nên đừng lo sợ. Hãy luôn sống với tinh thần học hỏi mọi lúc, mọi nơi!

Chúc các bạn thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *