Đừng vội tăng lương để giữ chân người xin thôi việc

nhân viên xin nghỉ việc và vấn đề tăng lương

Tăng lương không phải là biện pháp tốt nhất để giữ chân những người có ý định xin thôi việc, đó chỉ là giải pháp tình huống cho các nhà quản lý nhân sự.

Khi nhận được đơn xin nghỉ việc của nhân viên phản ứng của mỗi chuyên viên nhân sự là khác nhau, có người tìm cách lôi kéo nhân viên ở lại trong bằng cách tăng lương khi số khác lại phản ứng bằng cách tạo ra điều tiếng cho nhân viên đó. Hầu hết các chuyên viên nhân sự thường mắc phải một sai lầm là họ thường coi việc ra đi của nhân viên là sự phản bội, giải quyết vấn đề không công bằng và thường xen lẫn yếu tố tình cảm cá nhân vào công việc.

tăng lương chỉ là giải pháp tình huống cho người xin thôi việc

Vậy bài viết này sẽ nói về cách ứng xử của các nhà lãnh đạo, các chuyên viên nhân sự đối với “lính đào ngũ”. Là một nhà nhân sự giỏi, bằng cách xử lý khôn khéo họ có thể giữ chân được nhân viên hoặc ít nhất họ sẽ tạo ra được những ấn tượng tốt đối với nhân viên đang muốn thôi việc. Một ngày nào đó trên chặng đường tìm kiếm việc làm nhân viên đó lại muốn quay trở lại công ty vì cảm thấy họ được cảm thông và chia sẻ.  Không nhất thiết phải dùng đến biện pháp tăng lương để giữ chân nhân viên khi họ có ý định nghỉ việc. Hãy áp dụng những kinh nghiêm dưới đây trước:

Tìm hiểu thông tin

Hãy tìm hiểu chính xác nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên xin nghỉ việc, và mức độ quyết tâm của họ ra sao. Có thể đó là lí do bất hòa với đồng nghiệp hoặc không được đánh giá đúng mức năng lực của họ. Trong trường hợp này, các chuyên viên nhân sự cần tìm cách nói chuyện với cá nhân xin thôi việc. Cuộc nói chuyện cần tế nhị, không được cao giọng hay mất bình tĩnh kể cả trong trường hợp nhân viên của bạn có thể đang là người sai. Trong thời gian nói chuyện nếu cảm thấy nhân viên của bạn đang dao động, lưỡng lự hãy tìm cách tấn công nhưng có giới hạn nhất định.

Cả hai cùng có lợi

Theo phân tích của các nhà tâm lý học, đối với những người đang muốn nghỉ việc, nếu bạn để cho họ cảm thấy rằng tương lai, số phận của họ cũng chính là mối quan tâm của người làm lãnh đạo thì họ sẽ gắn bó với bạn hơn. Hãy đưa ra những lý lẽ để thuyết phục rằng bạn thật sự mong muốn anh ta có được công việc tốt nhất và mong anh ta có những quyết định đúng đắn. Câu hỏi không thể bỏ qua là: Nếu anh ở lại thì anh/chị cần gì ở chúng tôi? Nếu bạn thấy thắc mắc gì thì nên trao đổi thẳng thắn với đối phương.

Có thể cách trên không cho kết quả tức thì như bạn mong đợi nhưng bạn đừng lo nhé, có thể trong tương lai người nhân viên tài giỏi đó lại quay về sau nhiều thăng trầm trên con đường sự nghiệp tìm kiếm công việc thích hợp, họ nhân ra rằng không nơi nào phù hợp cho họ hơn là công ty của bạn thì sao. Nếu không may họ không quay về thì chắc chắn rằng trong tâm trí họ luôn có ấn tượng tốt về bạn, về công ty của bạn.

Tiền không phải là tất cả

Khi nhận được đơn nghỉ việc của nhân viên, nhiều ông chủ tỏ ra khá ích kỉ không tìm hiểu lý do mà đã nói những câu như: “Anh nghỉ luôn đi”, “tôi không muốn thấy anh ngày mai”..số khác họ lại vuốt ve bằng cách tăng lương cho nhân viên đó mà không hay biết rằng trong sâu thẳm lòng mình người nhân viên đã suy nghĩ rất nhiều về quyết định nghỉ việc của mình, có nhân viên lại vô cùng băn khoăn có nên đi hay ở. Bởi vì đối với mỗi một người nhân viên khi thay đổi công việc là họ đều có tâm lý là sự ra đi luôn không có lợi cho mình, sự thay đổi môi trường làm việc hoàn toàn khác thường có thêm nhiều rủi ro.

Ở vị trí một chuyên viên nhân sự giỏi không nên vội đưa ra đề nghị tăng lương bởi người lao động ra đi chưa hẳn la do nguyên nhân về lương. Có thể họ đang muốn tìm một môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến cao hơn hoặc vì các yếu tố gia đình: chuyển nơi sinh sống…

Nhìn một việc dưới nhiều góc độ

Nếu ban là một người sống thiên về tình cảm hãy trì hoãn cuộc nói chuyện và khi bình tĩnh lại hãy tiếp tục. Nhiều nhà tâm lý cho rằng mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ lao động phải được suy xét logic dưới nhiều góc độ. Nếu bạn đang cho rằng người xin thôi việc như một kẻ vong ơn bội nghĩa thì có lẽ rất hiếm khi mà ta giữ họ lại được. Đối với những người nhất định dứt áo ra đi không thể lay chuyển, bạn nên để họ nghỉ việc một cách thoải mái nhất, đừng quên cám ơn sự đóng góp của họ trong thời gian qua và tuyệt đối không lên giọng lãnh đạo trong trường hợp này.

Công việc và các mối quan hệ khác

Trong công ty, mối quan hệ không tốt giữa các cá nhân là không thể tránh khỏi, có trường hợp vì ác cảm cá nhân từ phía người lao động mà doanh nghiệp nguy cơ mất đi một nhân viên tài năng. Hoặc vì mâu thuẫn giữa đồng nghiệp khiến họ cảm thấy không thoải mái để làm việc cùng nhau mà một nhân viên nào đó phải ra đi. Tìm hiểu thật kỹ và trên cương vị một nhà quản lý bạn không giải quyết được những mâu thuẫn này thì hãy để nhân viên ra đi trong hòa bình.

Rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực nhân sự nảy sinh vì những nguyên nhân đơn giản: lãnh đạo không quan tâm đến những đề xuất ý kiến hay những đóng góp của nhân viên, không quan tâm tạo dựng bầu không khí làm việc trong công ty, không để ý quan tâm đến đời sống riêng tư của nhân viên. Bất cứ cuộc ra đi nào cũng có thể và nên được dự báo trước để phòng ngừa. Là một nhà lãnh đạo, nhà quản trị nhân sự bạn nên cảm nhận những thay đổi của nhân viên dưới quyền để hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ. Việc quan tâm nhân viên của mình, đên sự nghiệp thăng tiến của họ khiến các nhà lãnh đạo tránh được nguy cơ chảy máu chất xám trong doanh nghiệp.

THeo NTA-hrlink.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *