Văn hóa nghỉ việc

văn hóa nghỉ việc

Văn hóa nghỉ việc đã và đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong buổi chuyện trò của những người trẻ khi họ nhận thấy rằng mình đã không nhận được những gì mình đáng được hưởng tại công ty cũ.

Người Mỹ cho rằng thay đổi công việc thường xuyên chứng tỏ bạn là người năng động và có năng lực. Người Nhật lại cho rằng bạn là người thiếu trung thành và không nên tin tưởng. Còn người Việt Nam thì đa lăng kính, nghĩa là vừa có quan niệm của người Mỹ, vừa mang suy nghĩ của người Nhật. Quan niệm nào cũng có lý lẽ riêng của nó, điều quan trọng là người nghỉ việc làm sao để không gây khó khăn cho công ty và làm tổn hại đến hình ảnh của mình. Tuy nhiên, với suy nghĩ “xin làm mới khó chứ xin nghỉ thì dễ” đã dẫn đến những đơn xin nghỉ việc không “fair play” trong thế giới công sở.

Có hàng nghìn lẻ một lý do sự ra đi của bạn, đó là việc không hài lòng với mức lương ở công ty, không thỏa mãn vị trí đang có, không chịu đựng nổi sức ép của công việc, không hòa nhập được với đồng nghiệp, thậm chí bất hòa với họ… Cuộc sống ngày càng mở ra nhiều cơ hội, cơ hội cho những người có năng lực lại đang được tính theo cấp số nhân. Nên từ bỏ công ty cũ đến công ty mới để có điều kiện phát huy khả năng làm việc cũng như khả năng kiếm tiền là việc hợp lý. Nhưng hãy thể hiện mình là một nhân viên có văn hóa nghỉ việc khi thôi việc mà vẫn để hình ảnh của mình đẹp trong mắt sếp như mình đang còn làm việc hiệu quả hoặc chi ít sếp không thể nói được lời nào, dù trong lòng có cay cú. Bạn nên nghỉ việc trong tư thế của người đàng hoàng, để khẳng định mình là người chuyên nghiệp, có văn hóa và biết cư xử. Điều đó trước tiên vì lợi ích của chính mình. Vì không ai không muốn giữ lại mối quan hệ tốt đẹp với sếp và đồng nghiệp và biết đâu trong tương lai lại có ngày bạn trở về lại chính công ty cũ của mình.

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà bạn có thể tham khảo để có một lá thư xin nghỉ việc hoàn hảo nhất.

1. Biết đích xác đối tượng mà lá thư sẽ nhắm tới. Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng rất nhiều người có sự nhầm lẫn. Bức thư xin nghỉ việc sẽ được gửi tới người lãnh đạo cao nhất tại công ty bạn đang làm chứ không phải người quản lý cấp trung, người thường làm việc với bạn hàng ngày. Với những người lãnh đạo cấp trung, một cuộc trò chuyện trực tiếp sẽ phù hợp hơn.

2. Không đưa ra các lời chỉ trích, phê phán và thiếu tích cực, tránh đề cập trực tiếp tới công việc mới. Đừng nhầm lẫn giữa lá thư xin việc với lá thư góp ý, đây không phải là chỗ để bạn xả hết nỗi khó chịu, bực tức, những điều không hài lòng với công ty.

3. Tỏ lòng biết ơn. Nên nhớ một điều là họ đã trả lương cho bạn trong suốt một thời gian vừa qua, họ có thể cũng đã đầu tư cho bạn những khóa học mà dù thế nào đi nữa cũng đã giúp bạn rèn luyện kĩ năng của bản thân, hoặc đơn thuần nhờ họ mà bạn đã xác định rõ được bạn phù hợp với công việc gì.

4. Bày tỏ mong muốn được hợp tác trong tương lai. Bất kì một mối quan hệ nào cũng là cần thiết đối với việc kinh doanh sau này của bạn.

5. Viết ngắn gọn. Không nên quá dài dòng lê thê, không ai muốn nghe một “lời từ biệt” dài dòng.

Công ty có quyền sa thải nhân viên thì sự lựa chọn đi hay ở của nhân viên cũng là hoàn toàn bình thường đặc biệt khi quan điểm gắn bó lâu dài với một công việc không phải là sự lựa chọn số một với thế hệ trẻ ngày nay. Nhưng cũng không nên để lại ấn tượng cho sự ra đi của bạn là vì đề cao vấn đề lợi ích của bản thân lên trên hết mặc dù thực tế đó là lí do bạn ra đi. Hãy chứng tỏ là một người có năng lực và trách nhiệm, có văn hóa nghỉ việc ngay cả khi bạn không còn là nhân viên của công ty.

– Sưu tầm –

One thought on “Văn hóa nghỉ việc

  1. Pingback: Đánh giá nhân viên thường xuyên: Không phải để lên lương - Eduviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *