Tiêu chí ESG trong hoạt động cấp tín dụng tại Việt Nam

ESG là gì?

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ESG là thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Environmental, Social and Corporate Governance) chỉ nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (QTCT), cụ thể như sau:

(i) Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật…

(ii) Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên.

(iii) Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…

Các tiêu chuẩn trên là một bộ các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của một công ty đồng thời buộc các nhà đầu tư và các công ty tiếp nhận đầu tư phải xác định lại rủi ro trong các mô hình kinh doanh truyền thống cũng như những cơ hội góp phần tạo ra giá trị bền vững trong tương lai.

Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, xu hướng này đã khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

Báo cáo ESG:

Các nhà đầu tư thường xuyên sử dụng báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững và các tài liệu đầu tư để tìm hiểu phương pháp một công ty đang giải quyết các vấn đề về ESG. Các nhà đầu tư ngày càng có nhu cầu tìm hiểu về cam kết triển khai trách nhiệm ESG của doanh nghiệp và thể hiện sự quan tâm đến chất lượng của báo cáo ESG. Tầm quan trọng của báo cáo ESG là cung cấp thông tin chi tiết về quá trình triển khai các mục tiêu. Hiện nay, doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đang tận dụng các chuẩn mực hiện có để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhà đầu tư về báo cáo ESG.

Các chính sách liên quan đến ESG tại Việt Nam:

Tại Việt Nam, đầu tư ESG tuy chưa quá phổ biến nhưng cũng không phải là vấn đề mới. Để thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về việc thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việc thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia đối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Chiến lược tăng trưởng xanh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021.

Luật BVMT đồng thời đặt ra khuôn khổ để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các chính sách cam kết bảo vệ môi trường liên quan. Tuy nhiên, tham khảo báo cáo về chính sách ESG của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) ở Việt Nam, các cam kết công khai về chính sách ESG của các ngân hàng thương mại Việt Nam được nhận xét là còn rất ít ỏi, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về các yếu tố ESG dựa trên khuôn khổ pháp luật hiện hành. Hiện chưa có NHTM nào trong báo cáo nêu trên có cam kết chính sách công khai về ngừng cấp tín dụng cho hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay tăng mức tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo. Đồng thời, chính sách công khai của hầu hết các NHTM dành cho khách hàng doanh nghiệp cũng chưa thể hiện những cam kết về Thiên nhiên và Biến đổi khí hậu. Cam kết chính sách về xã hội cũng rất mờ nhạt. Hầu hết các ngân hàng đều chưa có quy định công khai đối với khách hàng doanh nghiệp yêu cầu hay khuyến khích việc thực hiện các cam kết (trong đó có vấn đề bình đẳng giới) cũng như chưa công bố những cam kết khác như cam kết về: Quyền lao động, Quyền con người và Không đầu tư vào vũ khí. Đa số các ngân hàng đều có những chính sách công khai về: Chống tham nhũng, Bảo vệ khách hàng, Thuế, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình nhưng vẫn ở mức hạn chế.

Ngoài ra, với kỳ vọng tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index – VNSI) được Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chính thức giới thiệu vào tháng 7/2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Đồng thời, chỉ số này cho thấy hiệu quả đầu tư của các mã cổ phiếu bền vững, thu hút quỹ đầu tư tổ chức quốc tế hoạt động theo nguyên tắc đầu tư ESG. Bộ chỉ số do HOSE phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tiến hành nghiên cứu và triển khai. Chỉ số VNSI hướng đến các mục tiêu cụ thể: xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính “xanh” để đầu tư; tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế; xác định các tiêu chí về thông lệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị; bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

Việc triển khai ESG trên thực tế:

Tại Việt Nam, việc thực hành ESG tại các công ty cũng đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Trong đó, Vinamilk nằm trong số các doanh nghiệp đi đầu và được giới đầu tư đánh giá cao về áp dụng các tiêu chí ESG trong hoạt động kinh doanh. Theo kết quả công bố của HoSE, năm 2020, Vinamilk là công ty hiện đạt tổng điểm ESG 90%, cao hơn 58% so với điểm trung bình ngành, đồng thời cao gấp rưỡi các doanh nghiệp thuộc VN100.

Từ năm 2012, doanh nghiệp này đã phát hành báo cáo phát triển bền vững tách riêng với báo cáo thường niên. Báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk được lập theo chuẩn mực sáng kiến Báo cáo toàn cầu về lập báo cáo (GRI standards) cùng một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing).

Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính tốt, Vinamilk cũng dành nhiều nguồn lực cho hoạt động về phát triển cộng đồng, sử dụng năng lượng mặt trời giảm thiểu phát thải CO2, vận dụng hệ thống biogas cũng như kinh tế tuần hoàn (3REs: Reduce, Recycle, Reuse) nhằm hạn chế lượng rác thải. Đến năm 2020, tổng năng lượng xanh tiêu thụ chiếm tới 89,17% toàn bộ năng lượng sử dụng trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty.

Như vậy, những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG có thể bao gồm việc giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp… Theo đó, các nhà đầu tư rất quan tâm đến hiệu suất của ESG và mong đợi ESG sẽ trở thành một phần của chiến lược kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp nên chủ động thể hiện cam kết và truyền đạt lợi ích của các hoạt động ESG đến các nhà đầu tư một cách rõ ràng và có mục đích hơn.

Nguyễn Khánh Linh – Công ty Luật TNHH IBPRO Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *