Trong khủng hoảng bàn về cái Tầm của người Lãnh đạo doanh nghiệp Việt

Khi xảy ra khủng hoảng, người lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm lớn nhất, và do đó cần phát huy tốt nhất các phẩm chất của mình để đưa tổ chức đi lên. 

Lãnh đạo doanh nghiệp ứng phó khủng hoảng

Tuy vậy, trong đa số trường hợp các nhà lãnh đạo không có được sự chuẩn bị tốt nhất để đương đầu với khủng hoảng và hậu quả là các ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, thị phần, thương hiệu và hệ thống nhân sự của tổ chức.

Bởi vậy, các nhà lãnh đạo cần được trang bị “các kỹ năng vượt khủng hoảng”, không chỉ giới hạn ở kỹ năng truyền thông hiệu quả mà bao gồm khả năng cảm nhận, quản trị rủi ro, quản lý thay đổi và định hướng, thúc đẩy tổ chức đi theo con đường vạch ra.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều được trang bị kỹ năng hoặc có kinh nghiệm vượt khủng hoảng. Và khủng hoảng là cơ hội cho lãnh đạo thể hiện nỗ lực, sức sáng tạo và khả năng huy động các nguồn lực cùng thực thi chiến lược “thoát khủng hoảng”, cũng là cơ hội phát triển năng lực quản trị thay đổi cho lãnh đạo.

Cuộc khủng hoảng hiện nay – khủng hoảng của vai trò lãnh đạo

Trong quá trình tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nguyên nhân cốt yếu của cuộc khủng hoảng là gì?, hàng loạt bài phân tích cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở sự lãnh đạo. “Sự sụp đổ toàn cầu này không phải do nợ dưới chuẩn, hợp đồng hoán đổi nợ xấu, hoặc thậm chí sự tham lam quá mức. Tất cả đó chỉ là những hệ quả. Nguyên nhân cơ bản của cuộc khủng hoảng này nằm ở sự lãnh đạo sai lầm. “Tiếng kêu chung dường như sau: thứ mà cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới này cần là sự lãnh đạo”. (Bill George, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị và CEO của Medtronic, giáo sư ngành quản trị tại trường Đại học kinh doanh Havard, Mỹ).

Trong bối cảnh Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, đã có tới 26 nghìn lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam ngã ngựa. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và khó có thể phục hồi trong vòng 24 tháng tới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang và sẽ phải làm gì?

Cái Tầm của người lãnh đạo đưa doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Cái Tầm ở đây có thể hiểu là một tiêu chuẩn thước đo với người lãnh đạo, là tổng hợp những nhân tố năng lực và kinh nghiệm quản trị nhân sự của người lãnh đạo giúp họ đưa doanh nghiệp đạt được thành công vượt bậc và bền vững.

Biểu hiện rõ ràng nhất của cái Tầm là tầm nhìn – yếu tố quan trọng bậc nhất trong các phẩm chất của người lãnh đạo và phân biết họ với cấp dưới của mình. Cái Tài có thể bẩm sinh mà có, nhưng Tầm đòi hỏi nền tảng tri thức, trải nghiệm và sự tôi luyện của thực tế. Càng được củng cố bởi vốn tri thức dồi dào, càng được rèn luyện qua thực tại khắc nghiệt, cái Tầm càng sắc bén.

Thực tế đã cho thấy quản lý một công việc kinh doanh đang ổn định và tăng trưởng dễ dàng hơn nhiều so với vật lộn trong thời kỳ khủng hoảng. Bill George đã so sánh như sau: Những giai đoạn tăng trưởng không thử thách sự gan góc của bạn như khủng hoảng, chúng cũng không quyết định xem liệu bạn có trụ vững giữa sức nóng của cuộc chiến hay không. Cũng giống như trong chiến tranh, khủng hoảng thử thách những người lãnh đạo tới cực hạn bởi vì kết quả hiếm khi lường trước được. Họ không chỉ phải vận dụng tất cả trí não để dẫn dắt tổ chức của mình vượt qua nó, mà còn phải đào sâu vào trong chính bản thân mình để tìm dũng khí tiếp bước về phía trước.

Rất nhiều bài báo và chuyên gia đều chung nhận định là những căn bệnh trầm kha của doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ rõ hơn bao giờ hết chỉ sau 2 năm khủng hoảng. Đó là thiếu tầm nhìn dài hạn, tâm lý tranh thủ, dễ hài lòng, dễ thỏa hiệp, thích “đi tắt”, thiếu nền tảng tri thức để phân biệt được con đường phát triển bền vững theo xu thế chung của thế giới với trào lưu của đám đông.vv..

Thay đổi tư duy lãnh đạo để thoát khỏi khủng hoảng

Các nhà lãnh đạo có Tầm sẽ sớm biết nhận thức và vận dụng xu thế của thời đại, của thế giới và thường nắm giữ vị trí tiên phong, khai phá. Thay vì nóng vội, họ điềm tĩnh tiên lượng được tương lai để có mục tiêu, con đường và những phương án dự phòng phù hợp. Họ biết hướng tới sự phát triển bền vững hơn là cố gắng tối đa hóa lợi nhuận càng chóng càng tốt. Mặt khác, nhà lãnh đạo có Tầm luôn có sức thu hút các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài lực, và họ biết cách vận dụng hiệu quả những gì mình có trong tay để quản lý nhân sự một cách tốt nhất. Dù có thể thương tích ít nhiều, lãnh đạo doanh nghiệp có Tầm vẫn có thể dẫn dắt cả doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng, thậm chí đạt tăng trưởng.

Hồ Như Hải, CEO EduViet Consultant

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *