Mô hình 9D trong quản trị nhân sự

mô hình 9D trong quản trị nhân sự

Trong những lúc trà dư tửu hậu với các chuyên viên nhân sự cùng ngành, câu chuyện làm thế nào để mô tả hoàn toàn ngắn gọn và hấp dẫn về quản trị nhân sự cho các cán bộ quản lý thường được đem ra bàn luận. Dẫn đến ý tưởng về mô hình 9D

Hiểu đúng và đủ về quản trị nhân sự rất quan trọng đối với các cấp quản lý hoặc các bạn nhân sự mới vào nghề. Tra google về định nghĩa quản lý nhân lực thì kết quả sẽ ra hàng triệu. Tuy nhiên các định nghĩa này có hiệu quả hay không thì là câu hỏi lớn. Mô hình 9D dưới đây sẽ giúp cho các cấp quản lý hiểu rất ngắn gọn về quản trị nhân sự như thế nào.

quy trình tuyển dụng nhân sự mẫu - quản trị nhân sự

01-Đến- Tuyển dụng: Chữ D đầu tiên trong quản lý nhân lực đó chính là tuyển dụng các nhân viên và quản lý. Cấp quản lý trong công ty thông thường phó thác công tác tuyển dụng cho bộ phận nhân sự. Thực sự chất lượng nhân lực là yếu tố quan trọng đảm bảo năng suất và chất lượng công việc. Rác vào thì rác ra. Các cấp quản lý cần phải đặc biệt chú ý tới chữ D đầu tiên – Đến để đảm bảo nguồn nhân lực trong phòng ban của mình.

02-Định hướng: Sau khi tuyển dụng, các cấp quản lý cần thiết định hướng cho các nhân viên. Công tác này cần phải thực hiện cho cả nhân viên cũ và mới. Định hướng nhằm giúp cho nhân viên hiểu được tầm nhìn và mục tiêu của công ty. Từ đó nhân viên sẽ điều chỉnh và định hướng các mục tiêu cá nhân cùng với công ty.

03-Dẫn – Hướng dẫn: Các nhân sự mới tới công ty cần thời gian để thích nghi và hòa mình với môi trường làm việc. Các cấp quản lý cần phải hướng dẫn họ trong các công việc. Chữ Dẫn còn có ý nghĩa các cấp quản lý cần đánh giá xem xét những thời điểm nhân viên cần hướng dẫn để vượt qua những thách thức trong công việc. Chữ Dẫn còn có ý nghĩa thứ ba khi nhân viên cảm thấy không hiểu, căng thẳng, làm sai trong công việc. Các cấp quản lý cần có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích cho họ hiểu và thay đổi hành vi. Ý nghĩa quan trọng cuối cùng của chữ Dẫn đó là bản thân cấp quản lý phải trở thành một mẫu hình các thực hành trong công việc đối với nhân viên dưới quyền.

04-Dưỡng – Đào tạo và phát triển: Cây cảnh cần dưỡng để phát triển khi cây còn yếu. Tương tự như vậy, các cấp quản lý cần có những chương trình dưỡng – đào tạo và phát triển nhân viên. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, cấp quản lý hiệu quả đó là những cán bộ biết đào tạo và phát triển nhân viên

05-Dỗ- Thuyết phục: Mâu thuẫn xẩy ra liên tục trong quá trình làm việc. Cấp quản lý cần phải giải quyết mâu thuẫn để tăng năng suất và chất lượng. Các mâu thuẫn trong nhân viên nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ tạo ra các sức ép vô hình trong công việc. Dỗ ở đây còn được hiểu khi các cấp quản lý giải quyết các mâu thuẫn ngoài phòng ban của mình.

06-Dụ- Các hình thức khen thưởng và động viên: Nhằm động viên và khuyến khích nhân viên, các hình thức khen thưởng được đưa ra kích thích nhân viên làm việc. Khi thực hiện Dụ, các cấp quản lý cần quan tâm tới công tác truyền thông đảm bảo nhân viên hiểu và thật sự muốn tham gia vào các chương trình này.

07-Dọa- Các qui định trong công ty: Ban hành những qui định và quy chế nhằm truyền thông các biện pháp xử lý khi nhân viên vi phạm và không đạt yêu cầu. Dụ và Dọa có thể được hiểu là ông Thiện và Ác trong quản lý công ty.

08-Đánh- Xử lý kỷ luật: Khi các nhân viên vi phạm và các biện pháp D nói trên không đạt kết quả, các cấp quản lý cần sử dụng các biện pháp mạnh nhằm đảm bảo kỷ cương được thực thi. Trong thời gian khủng hoảng hoặc khó khăn, chữ D thứ 7 này sẽ mang lại giá trị khi các nhân viên cảm thấy sức ép trong công việc.

09-Đuổi – Sa thải: Hình thức cao nhất của xử lý kỷ luật đó chính là sa thải. Các cấp quản lý cần hiểu sa thải với ý nghĩa nhẹ hơn đó là chấm dứt hợp đồng lao động với cá nhân không phù hợp môi trường làm việc tại công ty.

Khung quản lý 9D nhằm giúp cho các cấp quản lý mới nắm được nhanh chóng các công cụ quản lý nhân lực trong phòng ban và công ty mình. Giống như một thầy thuốc Nam khi các vị thuốc đều biết rõ. Trình độ tay nghề của từng nhà quản lý nằm ở chỗ sử dụng công cụ nào, sử dụng liều lượng bao nhiêu cho phù hợp từng đối tượng. Để đạt được mức độ này, cấp quản lý cần thực hành và trải nghiệm nhiều trong công việc.

st Quản lý nhân sự – Online 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *