“Triết lý âm dương” và công tác nhân sự

triết lý âm dương trong công tác quản lý nhân sự

Triết lý Âm Dương trong được xem như một học thuyết đặc trưng của văn hóa phương Đông, hình thành từ Trung Hoa vào thời nhà Hán (2825 – 2737 TCN), phát triển đến nay đã tạo nên những ảnh hưởng sâu rộng đến công tác nhân sự tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Học thuyết Âm Dương cho rằng mọi sự vật, hiện tượng tồn tại, phát triển đều có hai phần Âm Dương vận động, đan xen nhau mà tạo thành. Ví như gia đình có cha và mẹ, loài người có nam và nữ, vũ trụ có trời và đất. Âm Dương còn được hiểu:

  • “Dương” là phần biểu hiện ra bên ngoài, phần bề nổi, bộc lộ, bày tỏ, dễ dàng nhìn thấy được.
  • “Âm là phần bên trong, phần khuất, tiềm tàng, kín đáo, che dấu ở phía sau, khó thấy được.

triết lý âm dương trong công tác quản lý nhân sự

Triết lý Âm Dương vận dụng trong công tác nhân sự

Công tác nhân sự có thể áp dụng những gì theo Triết lý Âm Dương cho công việc?

Hãy thử mời các nhân viên làm việc trong công ty chơi “trò tìm âm dương” với những gì đang hiện diện trong công ty. Ví dụ nhìn “chiếc quạt máy: thấy ngay cánh quạt đang xoay, công tắc, dây dẫn điện… là Dương, thì phần động cơ, trục quay, dòng điện,… bên trong sẽ là Âm.

Như vậy trong công việc, nếu “kết quả công việc” là Dương, thì “năng lực” sẽ là Âm. Nhiều công ty chỉ cần kết quả công việc, doanh số, lợi nhuận,… ít quan tâm thái độ, phẩm chất từng nhân viên. Do Âm là cái bên trong, khó nhìn thấy nên khi đánh giá khả năng, thái độ nhân viên, người lãnh đạo cần có cách nhìn nhận sâu sắc thái độ, phẩm chất từng con người.

Đối với công tác nhân sự, “chức vụ” là Dương thì “uy lực, uy tín” là Âm. Nếu trình độ, kỹ năng chuyên môn là Dương, giúp sự nghiệp tiến triển, thăng hoa, thì “đạo đức, phẩm chất” là Âm sẽ quyết định một sự nghiệp tồn tại có bền vững hay không? Để phát triển nghề nghiệp, mỗi người phải luôn chú trọng củng cố nền tảng công việc (phần âm), như một thân cây muốn lớn lên phải phát triển bộ rễ sâu rộng và vững chắc trước. Muốn vậy, mỗi người phải luôn trao dồi đạo đức, rèn luyện thái độ làm việc đúng vừa học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, vừa phải luôn cập nhật quy định, chính sách công ty, mở rộng quan hệ đồng nghiệp, nắm bắt những thay đổi trong hệ thống quản trị, hòa nhập môi trường văn hóa công ty.

 

Nhiều nhân viên vào công ty làm việc, nhất là những người trẻ, ít kinh nghiệm thường chỉ để ý bề nổi (phần dương), phần bên ngoài của công việc như: chức vụ, quyền hạn, mức lương, phụ cấp và các chế độ đãi ngộ… Những nhân viên này thường thích chức vụ, văn phòng tiện nghi, đòi hỏi mức lương phải cao…, không thấy được ý nghĩa, các giá trị, hạnh phúc trong công việc, trách nhiệm với tập thể, với cộng đồng…, nên khi gặp khó khăn thường tránh né, ít kiên trì, chịu khó, nên không thể tiến xa được trong sự nghiệp.

Những nhân viên nhiều kinh nghiệm và có cái nhìn sâu sắc hơn sẽ chăm lo tạo dựng nền tảng công việc của mình như: tạo dựng quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp, hòa nhập môi trường làm việc, tìm hiểu sâu cơ chế điều hành, định hướng phát triển công ty…, nhìn thấy các quan hệ nhân quả trong cuộc sống, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên trong công việc, nên khi nhận nhiệm vụ luôn tích cực hoàn thành, nỗ lực để có được sự tín nhiệm của tập thể, tạo dựng uy tín, tạo “cái uy” để làm việc vì hiệu quả chung chứ không háo danh, tham quyền.

Một số nhân viên không đánh giá đúng năng lực, tự cảm nhận giá trị bản thân cao hơn năng lực hiện có, không thấy được tương quan giữa mình với người xung quanh, thường hay nhìn vào một vài kết quả công việc trước mắt, khi thấy nơi khác trả lương cao hơn cho công việc tương tự, thì đặt vấn đề với lãnh đạo và phòng nhân sự phải được tăng lương, nếu không tăng thì “nhảy việc”. Cần nhận thấy kết quả cá nhân đạt được luôn có sự đóng góp hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp và bộ phận khác nhau, có sự dìu dắt, nâng đỡ của Ban lãnh đạo và hệ thống công ty. Nếu bị tâm vị kỷ thúc đẩy, những ý nghĩ sai lệch nổi lên, nhiều tham vọng lấn át, che khuất cái nhìn và suy nghĩ đúng, nhân viên sẽ không thấy được chiều sâu, tính cộng đồng từ công việc.

Do vậy, ở mỗi công ty cần giúp cho từng nhân viên tạo dựng thái độ làm việc đúng, tầm nhìn dài hạn cho nghề nghiệp, tận tâm gắn bó với công ty. Từ đó, nhân viên luôn có động lực tìm hiểu và tập trung sâu vào chuyên môn, phát huy hiệu quả, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến tốt nhất cho công ty và xã hội.

 

Kỷ yếu Ngày Nhân sự Việt Nam – Viet Nam HRDay
Võ Văn Hiếu
Giám đốc nhân sự công ty Ô tô Trường Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mã bảo mật *